Doanh nghiệp kêu về nhiều chính sách hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang chuẩn bị công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2022. Những vấn đề được đề cập trong Báo cáo như chính sách hỗ trợ không đến được với doanh nghiệp (DN), gánh nặng thủ tục kiểm tra chuyên ngành… là những bất cập phổ biến đã được cộng đồng DN phản ánh nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Trong khi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ 4G, việc chưa dừng phát sóng 2G khiến tình trạng hàng lậu công nghệ 2G với giá rẻ tiếp tục hoành hành
Trong khi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ 4G, việc chưa dừng phát sóng 2G khiến tình trạng hàng lậu công nghệ 2G với giá rẻ tiếp tục hoành hành

Chính sách không khả thi

Câu chuyện mới đây là chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm được hướng dẫn tại Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT (Thông tư 25). Chính sách này được thiết kế trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Khoản 18 Điều 16) và được cụ thể hóa tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (sau đó một số điều được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP). Mục tiêu của chính sách là tiết giảm chi phí cho DN, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm điện tử sản xuất trong nước, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Thực tế cho thấy, hơn 6 năm qua, gần như chưa có DN nào được hưởng lợi từ chính sách nêu trên. Theo một số DN thuộc phạm vi thụ hưởng, những thủ tục cần thực hiện để được miễn thuế là quá khó với DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, vì đòi hỏi DN phải có thuyết minh dự án, trong khi công nghệ thay đổi thường xuyên, kế hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt theo từng thời điểm; cách hiểu không thống nhất giữa cơ quan hải quan, cơ quan thuế…

Tương tự, Luật Viễn thông năm 2009 có quy định phương thức đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet nhưng thực tế đến nay chưa triển khai được các nội dung này. Nguyên nhân, theo ông Trần Thế Phương, Phó Trưởng phòng Chính sách thuộc Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), là do quy định mang tính định tính, chưa xác định được đầy đủ tài nguyên cần đấu giá, giá khởi điểm.

Trong giai đoạn chống dịch Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ DN vay vốn để trả lương cho người lao động. Chính sách này nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng DN, nhưng theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho đến nay, DN chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ này. “Đang lúc nước sôi lửa bỏng, phải thực hiện giãn cách xã hội, đơn hàng bị ngưng trệ, khó khăn đủ đường, nhưng DN phải chứng minh được là bị tác động của dịch Covid-19 mới được hưởng chính sách hỗ trợ này. Việc này khó bằng lên trời”, bà Hương phản ánh.

Chính sách phản tác dụng vì thiếu đồng bộ

Trong lĩnh vực y tế, DN từng “vỡ òa” khi Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế được Chính phủ ban hành, kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp phép lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế sẽ được tháo gỡ ngay lập tức. Nhưng theo phản ánh tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) năm 2023, Bộ Y tế vẫn cấp phép “nhỏ giọt”. Theo giải trình của Bộ Y tế, chậm tiến độ là do hạn chế về nguồn nhân lực, kinh phí thẩm định quá thấp trong khi nhiệm vụ đòi hỏi trách nhiệm cao, các chuyên gia thẩm định không mặn mà tham gia…

Không chỉ chậm trễ thực thi, nhiều chính sách ra đời theo kiểu “phanh gấp”… mà không có một lộ trình cụ thể phù hợp với năng lực thực tế của đại đa số DN trong nước, khiến DN không kịp xoay chuyển. Đơn cử, trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC), sau sự cố cháy quán karaoke ở Bình Dương, cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý PCCC với các yêu cầu khắt khe về thẩm định sơn chống cháy, thử nhiệt với cửa chống cháy... Trước các yêu cầu này, một số hiệp hội DN ở các tỉnh, thành phía Nam phản ánh, nhiều công trình đã hoàn thiện gần một năm nay nhưng không thể nghiệm thu toàn bộ hoặc một phần để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh ở nhiều ngành hàng, việc có được đơn hàng mới là không dễ, phải đáp ứng yêu cầu về nhà xưởng, công nghệ mới, việc chậm nghiệm thu công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất đơn hàng mới. Trong khi đó, chi phí phát sinh mỗi công trình để đáp ứng yêu cầu về PCCC ít nhất là 7 tỷ đồng, là khoản đầu tư lớn, đòi hỏi DN phải có chiến lược dài hạn.

Liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử, ông Nguyễn Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Masscom Việt Nam cho biết, chủ trương dừng phát triển công nghệ 2G để tăng cường phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam là rất đúng đắn, nhằm định hướng phát triển trên nền tảng công nghệ cao hơn. Các DN nội địa đã đầu tư phát triển theo định hướng này. Tuy nhiên, chính sách được ban hành mà không có cơ chế kiểm soát tình trạng hàng lậu công nghệ 2G với giá rẻ hơn nhiều lần so với công nghệ 4G, DN trong nước không thể cạnh tranh.

Trong khi đó, theo chia sẻ của đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu nhanh thì đến năm 2024, Việt Nam mới có thể tắt được sóng 2G, khi đó mới hạn chế được hàng hóa thẩm lậu. “Đợi đến lúc đó, DN chúng tôi đã chết lâm sàng”, đại diện một DN chia sẻ.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, chính sách có hay, có tốt đến mấy, nhưng không đi vào cuộc sống, DN không tiếp cận được vào lúc cần nhất, thì chính sách đó chỉ như bức tranh vẽ trên giấy, không còn ý nghĩa. Và điều tệ hại hơn, những chính sách bất khả thi đó khiến DN mất niềm tin vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Về phía VCCI, trên nhiều diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế đều kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Việc cải cách phải đảm bảo thực chất, tránh hình thức, cài cắm giấy phép con.

Tin cùng chuyên mục