DN cần nâng cao năng lực đội ngũ tài chính - kế toán để giúp “tiết kiệm thuế”, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, thay vì chỉ tìm cách trốn thuế. Ảnh: Mạnh Hà |
Nếu DN cứ tìm cách trốn thuế với việc lập nhiều sổ sách khác nhau thì cơ hội tiếp cận các nguồn vốn là rất thấp, trong khi đây là vấn đề sống còn của DN.
Đối diện nhiều khó khăn
Bàn về môi trường kinh doanh hiện nay, ông Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Bizen Việt Nam - công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo quản trị DN - cho biết, kinh doanh thời nay đang đứng trước những xu hướng mới, đó là: Hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phong trào khởi nghiệp phát triển nhanh; nền kinh tế chuyển đổi… Các xu hướng này tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với DN nếu không có sự chuẩn bị tốt về năng lực cạnh tranh cũng như minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Chỉ ra sự cạnh tranh gay gắt của thị trường hiện nay, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý I/2019, cả nước có trên 28.000 DN thành lập mới, hơn 15.000 DN quay trở lại thị trường, song có tới 14.761 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 15.331 DN tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể, 4.116 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Nhìn về khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV hiện nay, bà Lê Cẩm Vân, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Danny nhận xét, DNNVV đang gặp khó khăn về vấn đề vốn. Khó khăn này bắt nguồn từ việc DNNVV không có nhiều tài sản, kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay; thiếu minh bạch trong quản lý kinh doanh… Thậm chí, theo chuyên gia này, vì không có chiến lược, kế hoạch kinh doanh nên trong quá trình hoạt động, DNNVV dễ bị chệch hướng, rơi vào tình trạng chỉ tìm cách trốn thuế này, thuế nọ với việc lập ra nhiều báo cáo tài chính với những số liệu khác nhau.
“Khi đấu thầu, các bên mời thầu đưa ra yêu cầu các nhà thầu phải đảm bảo đáp ứng về vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, tài sản, năng lực… thì mới lựa chọn, nên có một số nhà thầu đã tự “mô đi phê” năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu. Khi báo cáo thuế với cơ quan thuế, để trốn thuế, DN đối phó bằng cách tối thiểu hóa doanh thu, lợi nhuận. Nhưng khi báo cáo với ngân hàng để vay vốn, DN lại sửa đổi lợi nhuận, đảm bảo khả năng trả nợ vốn”, bà Vân chia sẻ.
Tuy nhiên, tư duy, thói quen này chỉ đem lại “thiệt đơn, thiệt kép” cho DN, bởi nếu DN không minh bạch thì không thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Vì trốn thuế, không cho doanh thu chạy qua tài khoản ngân hàng nên khi gặp khó khăn về mặt tài chính, DN gần như không thể vay vốn. Mặt khác, hiện các quy định pháp luật về thuế đã khá đầy đủ, chặt chẽ để hạn chế tình trạng lách thuế, trốn thuế, nếu bị phát hiện sẽ phải nộp phạt cao hơn rất nhiều khoản thuế mà DN phải đóng.
Cách nào giúp DNNVV tiếp cận vốn?
DN muốn phát triển phải có đầu tư, nhưng để gọi được đầu tư thì hoạt động kinh doanh của DN phải công khai, minh bạch. “Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN đang “tham bát bỏ mâm”, tìm cách trốn thuế để kiếm lợi cho mình mà không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Khi những sai phạm này bị phát hiện, DN sẽ mất đi rất nhiều lợi ích, cơ hội, thậm chí là bị phá sản”, ông Quang Minh nói.
Vậy đâu là giải pháp giúp các DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng, bà Lê Cẩm Vân lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất, DN bắt đầu kinh doanh cần có chiến lược, kế hoạch kinh doanh rõ ràng để các đơn vị tín dụng có thể đánh giá để cho vay vốn. Thứ hai, DN cần xây dựng hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Thứ ba, DN minh bạch các nguồn thu thông qua các tài khoản ngân hàng. Thứ tư, DN kêu gọi các nhà đầu tư cùng đồng hành bằng việc cho vay, góp vốn.
Tại Tọa đàm, một số chuyên gia khuyến nghị DN cần tuân thủ nghiêm các quy định về thuế. Mặt khác, nâng cao năng lực đội ngũ phụ trách tài chính - kế toán của DN để giúp DN “tiết kiệm thuế”, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, thay vì chỉ tìm cách trốn thuế.
“Chẳng hạn như cùng là đánh thuế thu nhập cá nhân, nhưng đối với thu nhập từ đầu tư vốn DN chỉ phải chịu thuế 5%, nhưng thu nhập từ tiền lương, tiền công… thì bị đánh thuế tới 35%”, bà Vân lấy ví dụ.
Cũng để hạn chế trốn thuế, nhiều ý kiến khác nhấn mạnh yêu cầu DN cần nâng cao nhận thức về nghĩa vụ thuế; chính sách thuế phù hợp…