Doanh nghiệp làm gì để không bị tổn thương khi gia nhập TPP?

BĐT- Khi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP được thông qua, thị trường sẽ hoàn toàn bị điều chỉnh bằng những yếu tố khác so với truyền thống. 95% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi gia nhập các thị trường thương mại tự do.
Nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận với những thông tin về các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. Ảnh: LTT
Nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận với những thông tin về các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. Ảnh: LTT

Khi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP được thông qua, thị trường sẽ hoàn toàn bị điều chỉnh bằng những yếu tố khác so với truyền thống. 95% số doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi gia nhập các thị trường thương mại tự do.

Đó là khuyến cáo của nhiều đại biểu tại Hội nghị “Triển khai Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành” được tổ chức ngày 17/12/2015 tại TP.HCM.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hơn 95% doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có quy mô vừa và nhỏ, có một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa có nhiều kênh và cơ hội tiếp cận với những thông tin về các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. Dẫn tới, đây sẽ là một rào cản rất lớn cho bản thân các doanh nghiệp khi làm ăn trong bối cảnh mới, bị điều chỉnh bởi những quy định với các khu vực kinh tế đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng, sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều Nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời cho các doanh nghiệp.

Chỉ trong vòng 3 tháng, liên tiếp có 3 nghị định: Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có Thông tư số 127 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp.

Rất nhiều văn bản mới được ban hành để hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vẫn đang tự mày mò, thậm chí nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng họ thực sự lúng túng. Do đó, các hội doanh nghiệp địa phương, các hiệp hội ngành nghề cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến cũng như tổ chức nhiều khóa tập huấn hơn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng nhanh với bối cảnh mới.

Nhiều đại diện khi trao đổi tại Hội nghị đều khuyến cáo, trước hết các doanh nghiệp cần tự trang bị về mặt pháp lý, chính sách điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cần tăng cường các diễn đàn để doanh nghiệp có thêm thông tin về thị trường, các ràng buộc bắt buộc khi gia nhập các FTA để có sự chuẩn bị kỹ càng nhất.

Tin cùng chuyên mục