Doanh nghiệp Mỹ ngày càng ngán Trung Quốc

Suốt một thời gian dài, rất nhiều công ty Mỹ đã coi Trung Quốc là cơ hội kinh doanh lớn nhất thế giới, nhưng đều đó có vẻ đã biến mất.
Cửa hàng của KFC và McDonald's trong một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. Ảnh:AFP
Cửa hàng của KFC và McDonald's trong một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. Ảnh:AFP

McDonald’s được cho là đang đàm phán bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc và cấp phép sử dụng tên thương hiệu cho một công ty địa phương. Trước đó, Yum Brands (công ty mẹ của KFC) cũng đã có quyết định tương tự, đồng thời tách riêng mảng hoạt động tại Trung Quốc thành công ty mới có tên Yum China.

Coca-Cola đã thông báo kế hoạch bán mảng đóng chai tại Trung Quốc hồi tháng 11. International Paper hồi tháng 3 cũng cho biết đang tách riêng mảng tại Trung Quốc và Đông Nam Á.

"Việc công ty nước ngoài điều hành hoạt động bán lẻ tại Trung Quốc đang ngày càng khó khăn và đắt đỏ", Dan Harris - luật sư tại Harris Bricken kiêm tác giả China Law Blog cho biết, "Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục khách hàng không làm vậy, mà học theo McDonald's và Yum Brands, tức là kinh doanh bằng cái tên mà không cần làm người trực tiếp điều hành. Trung Quốc là một thị trường rất khó khăn".

Các công ty đồ ăn nhanh là những người chơi sớm nhất tiến vào thị trường Trung Quốc cách đây 3 thập kỷ. Khi người dân nước này ngày càng giàu lên, cơ hội tấn công thị trường tiêu dùng khổng lồ càng tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, thách thức cũng xuất hiện. Các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Mỹ vướng phải rất nhiều scandal về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc. Việc nhái thương hiệu cũng thường xuyên diễn ra.

"Chúng tôi đã thấy rất nhiều công ty Mỹ phải vật lộn với việc kinh doanh tại Trung Quốc", Siva Yam - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ - Trung Quốc, có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết, "Thị trường đã bão hòa hơn nhiều. Số công ty Mỹ đến Trung Quốc giảm rất mạnh. Trái lại, họ còn đang quay về đây ấy".

Báo cáo hằng năm của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc năm ngoái cho thấy 32% số công ty thành viên không có kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc. Tỷ lệ này còn cao hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2009.

Trong khi các công ty Trung Quốc có lợi thế nhờ hiểu biết về doanh nghiệp địa phương và nhận được sự trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc, chi phí nhân công và đất đai tăng lại đang là thách thức với các công ty nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng đang chậm lại, từ hai chữ số cách đây vài năm xuống chỉ trên 6% hiện tại.

Starbucks lại là ngoại lệ duy nhất. Giữa tuần này, hãng thông báo có thể có hơn 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2021 và thị trường này "sẽ dần vượt Mỹ".

Giá đồng thường được coi là chỉ báo cho sức khỏe của nền công nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, giá hàng hóa này đã giảm hơn 40% từ mức đỉnh năm 2011. Và kể từ quý II năm nay, Apple cũng thông báo doanh thu tại Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, mức tăng này từng là hai chữ số.

Các công ty Mỹ giờ phải tìm chiến lược khác tại Trung Quốc để phát triển. Họ nhắm đến các lĩnh vực như chăm sóc y tế, bảo vệ môi trường hay quản lý tài sản, đặc biệt trong bối cảnh khối nợ của Trung Quốc cao.

Các công ty quản lý tài sản như Vanguard và JPMorgan Asset Management gần đây đều đã nhận được giấy phép thành lập chi nhánh tại Thượng Hải. "Chúng tôi coi đây là bước đầu tiên trong quá trình giảm chi phí đầu tư vào Trung Quốc và giúp hàng triệu nhà đầu tư địa phương đạt mục tiêu của mình", Linda Wolohan - người phát ngôn của Vanguard cho biết. 

Tin cùng chuyên mục