Nếu DN nhỏ không cải thiện năng lực sẽ không đáp ứng được yêu cầu của dự án. Ảnh: Nhã Chi |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để tận dụng tốt hơn các chính sách ưu đãi, các DN nhỏ cần nâng cao hơn nữa năng lực, kinh nghiệm để tăng cơ hội trúng thầu.
Tạo cơ hội cho nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ
Ghi nhận và đánh giá cao những quy định mang tính đột phá và nhân văn trong Luật Đấu thầu năm 2013, trao đổi với Báo Đấu thầu sau hơn 2 năm Luật đi vào cuộc sống, một nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ chia sẻ: “Chính sách ưu đãi dành cho nhà thầu là DN nhỏ trong pháp luật về đấu thầu đã, đang và sẽ tạo thêm động lực để DN Việt Nam phát triển”. Cụ thể, Điểm c Khoản 3 Điều 14 Luật Đấu thầu quy định: “Nhà thầu là DN nhỏ” là đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp. Chi tiết hơn, Nghị định 63/2014/NĐ -CP hướng dẫn: “Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về DN tham gia đấu thầu”. Bên cạnh ưu đãi dành cho DN nhỏ, Luật Đấu thầu cũng dành ưu đãi cho các nhà thầu là DN “yếu thế” trong xã hội, đó là nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới; nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật được hưởng ưu đãi khi đấu thầu.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc một DN có địa chỉ tại Hà Nội, chuyên tham gia cung ứng hàng hóa cho các dự án cho biết: “Trên thực tế, các DN khi tham gia đấu thầu đều quan tâm đến khả năng trúng thầu. Những ưu đãi dành cho các DN nhỏ được quy định trong pháp luật về đấu thầu đang góp phần nâng cao khả năng thắng thầu của các nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi”. Ông Tuấn cho rằng, trên thương trường, các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ có thuận lợi là linh hoạt về vốn và nguồn hàng, nên khi tham gia lựa chọn nhà thầu ở những gói thầu có quy mô nhỏ họ thường đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Đại diện một nhà thầu trong lĩnh vực xây lắp chia sẻ: “Quy định mới đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư/bên mời thầu có sự so sánh, lựa chọn giữa các nhà thầu có cùng năng lực, quy mô để chọn ra ứng viên ưu tú nhất. Thị trường của các nhà thầu là DN nhỏ đang được mở cửa hơn bao giờ hết”.
Phải nâng cao năng lực
Bàn về cơ hội thắng thầu của các DN nhỏ, một chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực xây dựng nhìn nhận: “Mặc dù pháp luật về đấu thầu đang tạo điều kiện cho các DN nhỏ phát triển, nhưng do hạn chế về tài chính và kinh nghiệm, nên khả năng thắng thầu của các nhà thầu này dù có cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế”. “Dù có ưu đãi, song chủ đầu tư không thể giao một gói thầu/dự án cho một nhà thầu thuộc diện ưu đãi mà có năng lực yếu kém”, vị chuyên gia này khuyến cáo.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lộc, nhà thầu tư vấn ở Tây Ninh cho rằng: “Khả năng trúng thầu của các DN nhỏ hiện nay trên địa bàn Tây Ninh rất hiếm”. Sở dĩ nhà thầu là DN nhỏ khó thắng thầu được, ông Lộc chỉ ra là do: “Khi chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu, họ phải đánh giá trên năng lực để xem xét khả năng hoàn thành gói thầu/dự án đúng tiến độ yêu cầu. Nếu giao cho một nhà thầu năng lực kém, chủ đầu tư sẽ thiệt đơn, thiệt kép như: mất thời gian, vừa mất vốn, vi phạm pháp luật…”.
Để nâng cao khả năng thắng thầu cho các DN nhỏ, ý kiến của nhiều chuyên gia đấu thầu cho rằng, trong thời gian tới, các DN sẽ phải tự nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng để đáp ứng được yêu cầu của các gói thầu/dự án. Nếu DN nhỏ, năng lực yếu kém sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án. Đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm thống nhất chính sách hỗ trợ khu vực DN phát triển mạnh hơn, Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng có những quy định tạo nhiều điều kiện để các nhà thầu là các DN nhỏ và vừa tham gia được nhiều hơn tại các gói thầu mua sắm, cung ứng dịch vụ công.