Nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để thích ứng trong bối cảnh Covid-19, trong đó có vấn đề đảm bảo sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là thời điểm dồn nguồn lực cho người lao động
Bà Khổng Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa
Dịch Covid-19 khiến nhiều công ty rơi vào cảnh khó khăn chưa từng có, đặc biệt là các DN tại TP.HCM. Dù hiện tại Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa vẫn trụ được nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn và không thể lường trước được nếu dịch kéo dài thêm 2 - 3 tháng tiếp theo. Hiện tại, công suất hoạt động của Nhà máy sụt giảm nghiêm trọng, do chỉ tổ chức sản xuất được cho khoảng 1/3 nhân công.
Chúng tôi nhận ra, ưu tiên trên hết và trước hết dành cho công nhân, những con người góp phần tạo nên Minh Khoa ngày hôm nay.
Hiện Công ty đang nghiêm túc tuân thủ sản xuất theo nguyên tắc “3 tại chỗ”. Công ty chăm lo cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, từ giữ nguyên thu nhập, hỗ trợ các suất ăn. Đây là giai đoạn khó khăn thử thách sức bền, ý chí của con người. Chỉ cần dịch giảm, nhịp sống dần trở lại bình thường, người lao động sẵn sàng giữ nhịp sản xuất, hoặc tăng lên so với trước đây.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp xây khu lưu trú cho công nhân
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM
Theo khảo sát, tại 5 khu công nghiệp lớn của TP.HCM hiện có hơn 350 nhà máy đăng ký hoạt động, nhưng tất cả đều đang rất lúng túng về chỗ ở, sinh hoạt cho công nhân. Có DN tốn hàng tỷ đồng mỗi tháng để chi trả chi phí thuê khách sạn, cung ứng bữa ăn cho người lao động…
Chi phí của các DN đang phát sinh mỗi ngày rất lớn. Cụ thể như các nhà máy ở Khu công nghệ cao thuê gần như tất cả các khách sạn ở Quận 1 và TP. Thủ Đức làm chỗ lưu trú cho công nhân. Nhưng số khách sạn này như muối bỏ bể trước số lượng hàng triệu người lao động. Bên cạnh đó, quy mô của mỗi khách sạn không đáp ứng, từng DN lại phải điều tiết, điều phối sử dụng dịch vụ của nhiều khách sạn nên dẫn tới khó khăn trong quản lý lao động. Thông tin đến Hiệp hội, các nhà máy lớn như Intel, Jabil Việt Nam phải bố trí hàng ngàn lao động rải rác tại các khách sạn từ Quận 1 đến TP. Thủ Đức, khó khăn trong quản lý theo phương thức “1 cung đường 2 điểm đến” của Thành phố.
Đến nay, đã gần 3 tháng, DN tại TP.HCM gồng mình vừa sản xuất vừa phòng ngừa, chống dịch. Chỉ cần một phút lơ là, mọi nỗ lực đều đổ sông đổ bể, đặc biệt, nguồn cung ứng hàng hóa sẽ đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn. Do đó, để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh, rất cần sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả từ chính quyền từ cấp Thành phố đến cấp quận/huyện nhằm tạo lập các khu lưu trú cố định, an toàn, tiện lợi di chuyển cho người lao động.
“3 tại chỗ” - lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết
Ông Hoàng Đức Hoàn, Giám đốc Nhà máy Hòa Lạc - Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, cùng với việc liên tục áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu kịp thời có kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong tình hình mới.
Đối với khối văn phòng, Công ty nâng số lượng cán bộ, công nhân viên (CBCNV) làm việc tại nhà lên mức tối đa, song vẫn có biện pháp đảm bảo chất lượng công việc. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ lịch trình di chuyển, khai báo y tế hàng ngày của từng người để kịp thời phát hiện và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm (nếu có).
Đối với khối sản xuất, Công ty quyết định đưa cả 3 nhà máy gồm Nhà máy Quất Động 1, 2 và Nhà máy Hòa Lạc vào hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, ngủ nghỉ tại chỗ) để tạo lập các khu sản xuất an toàn, bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Công ty đồng loạt cải tạo và nâng cấp hạ tầng các nhà máy như phân bổ khu sản xuất, sinh hoạt, cải tạo phục vụ cho CBCNV theo đúng quy định giãn cách. Đồng thời, nhận thức được những khó khăn, thiệt thòi khi làm việc trong điều kiện giãn cách, Công ty luôn sâu sát, quan tâm đến người lao động thông qua việc nắm bắt, đáp ứng từng nhu cầu nhỏ, tạo cho họ sự vững tâm, tin tưởng, từ đó đưa dây chuyền sản xuất đi vào ổn định. Ngoài ra, Công ty chú trọng công tác truyền thông nội bộ về tầm quan trọng của 5K, nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ đối với từng cá nhân.
Bằng định hướng đúng đắn, kịp thời, đến nay, Công ty vẫn giữ ổn định được hoạt động kinh doanh và sản xuất, bảo vệ được sức khỏe cho người lao động. Để có được điều này, Công ty chấp nhận các khoản chi phí phát sinh, bởi việc phòng bệnh không làm tốt thì những thiệt hại về kinh tế, thậm chí cả về người có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Sớm đầu tư công nghệ thông tin để phục vụ sản xuất kinh doanh
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai
Trong bối cảnh hiện nay, DN xây dựng nói chung và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tổ chức triển khai các công trình, dự án tại nhiều địa phương có áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ… Do không phải là lĩnh vực thiết yếu nên hoạt động xây dựng tại các công trường phải dừng hoạt động.
Để tự lo cho các hoạt động sản xuất, Công ty đã phải cơ cấu lại kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Trong nhiều năm qua, Công ty đã sớm đầu tư cho công nghệ thông tin, từ đó có thể quản trị được toàn bộ công việc trên nền tảng công nghệ thông tin, online. Tuy nhiên, cách làm việc này cũng chỉ ở phần kỹ thuật, số liệu.
Về công việc xây dựng, chủ yếu vẫn là các hoạt động tay chân, máy móc có sự điều khiển của con người. Hiện các hoạt động này Công ty chỉ duy trì một bộ phận nhỏ trực phòng chống cháy nổ, trực thanh toán và các công việc thiết yếu khác… Đây cũng là cái khó đối với DN xây dựng khi muốn duy trì hoạt động sản xuất ở thời điểm hiện tại.
Hiện, Công ty vẫn trả lương, nộp bảo hiểm, đầu tư cho các hoạt động chống dịch cho người lao động từ các quỹ dự phòng đã trích lập trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Công ty cũng đang cố gắng liên hệ với các cơ sở y tế để tiêm phòng cho cán bộ, nhân viên; cơ cấu lại vật tư, vật liệu và công trường. Một số công trình ở các địa phương không phải thực hiện giãn cách xã hội vẫn triển khai và đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Đảm bảo công tác phòng chống dịch để duy trì hoạt động của bộ máy doanh nghiệp
Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chusan Việt Nam
Năm 2021 có nhiều khó khăn với DN Việt Nam nói chung, đặc biệt là những DN công nghiệp hỗ trợ. Những DN này nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp toàn cầu. Công ty TNHH Chusan Việt Nam là DN sản xuất các sản phẩm thùng nhựa Danpla. Đây là sản phẩm được dùng để đóng gói các linh kiện nhựa và điện tử trong các ngành ô tô, xe máy, điện thoại và đồ gia dụng. Làn sóng Covid-19 lần này lây lan mạnh hơn dẫn đến việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng phải kéo dài. Các tác động bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng do bị đứt gãy nguồn cung cấp hạt nhựa từ thế giới và chi phí vận chuyển tăng đã ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh. Về phía con người, một số nhân viên và người quản lý phải ở nhà không đến được nhà máy dẫn đến hoạt động sản xuất bị trì trệ. Nhiều khách hàng phải dừng sản xuất dẫn đến có ít đơn hàng.
Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh luôn được Công ty ưu tiên hàng đầu, đặc biệt người lao động tại nơi sản xuất tuân thủ 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Công ty bố trí cho nhân viên thuê nhà gần nơi sản xuất, bộ phận không tham gia trực tiếp được bố trí làm việc tại nhà qua thiết bị công nghệ thông tin, hỗ trợ 1 phần lương cho những nhân viên phải ở nhà chống dịch.
Để đảm bảo môi trường làm việc, Công ty thường xuyên giữ vệ sinh môi trường, khử khuẩn. Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, nhà ăn tập thể và không cho phép người lạ vào khu vực sản xuất. Đặc biệt, Công ty cố gắng tiêm vắc xin cho nhân viên nhiều nhất có thể.
Nắm bắt tín hiệu thị trường, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh doanh
Ông Nguyễn Hữu Thạch, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu HPT Việt Nam
Đại dịch Covid-19 kéo dài tác động tiêu cực lên mọi mặt của nền kinh tế. Công ty CP Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu HPT Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi chịu ảnh hưởng tiêu cực ấy.
Với lợi thế là đối tác ủy quyền của các hãng sản xuất như Axis (Thụy Điển), Hanwha Techwin (Hàn Quốc), Dahua (Trung Quốc), Hikvision (Trung Quốc), Panasonic (Nhật Bản), Magnet (Malaysia)…, HPT Việt Nam tập trung thế mạnh vào kinh doanh thiết bị an ninh công nghệ cao (máy soi chiếu hành lý; thiết bị nhận dạng biển số xe; cổng từ; phần mềm quản lý bán hàng siêu thị; hệ thống chống trộm). Dịch bệnh bùng phát và kéo dài khiến mảng kinh doanh chính của Công ty bị đình trệ nghiêm trọng. Giai đoạn khó khăn nhất là thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách, nhiều nhân sự đi cách ly y tế, Văn phòng đặt tại TP.HCM chỉ còn một nửa số lượng nhân viên. Thêm vào đó, việc vận chuyển, cung cấp, lắp đặt các thiết bị cho đối tác gần như bị “đóng băng”.
Trước thực trạng khó khăn đó, Công ty nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thời vụ của thị trường, đẩy mạnh kinh doanh thiết bị y tế - sản phẩm chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu ngành nghề của Công ty trước đó. Sẵn lợi thế cạnh tranh về giá vốn sản phẩm, HPT Việt Nam tích cực giảm giá khi tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị test nhanh; máy tạo oxy; máy thở… Cùng với đó là các đơn hàng bán lẻ cho các nhà thuốc, các doanh nghiệp, mang lại nguồn doanh thu giúp cân bằng tài chính.
Tính đến hết quý II/2021, doanh thu của Công ty ghi nhận tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số khả quan này là kết quả của sự định hướng kịp thời theo tín hiệu thị trường. Qua đó có thể thấy, dịch bệnh gây nhiều khó khăn, song đây cũng là thời điểm để mỗi doanh nghiệp nhìn lại và tự rút ra bài học kinh doanh.
Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành vượt qua đại dịch
Ông Lê Tiến Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất công nghiệp Xây lắp 3
Để đảm bảo phòng chống dịch, nhiều công trình của Công ty đã ngừng thi công. Sự đứt gãy trong hoạt động xây dựng là vấn đề cấp bách cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời.
Không chỉ ảnh hưởng bởi Covid-19, là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, Công ty cũng gặp khó khăn từ việc giá nguyên vật liệu tăng cao bất thường từ đầu năm. Đây là vấn đề lớn, vì khi dịch được kiểm soát, hoạt động thi công được khôi phục thì Công ty vẫn đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Sự kết nối, chia sẻ giữa các nhà tạo lập chính sách và cộng đồng DN là điều cần thiết để vượt qua khó khăn, thách thức lúc này. DN nói chung và các DN trong ngành xây dựng nói riêng rất mong muốn nhận được các hướng dẫn tháo gỡ kịp thời trước khi bị ảnh hưởng quá nặng nề.