Doanh nghiệp ở TP.HCM là kênh thu hút vốn trong xã hội rất hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên |
Quy mô vốn nhỏ
Một trong những khó khăn lâu nay phần lớn DN ở TP.HCM luôn gặp phải đó là quy mô vốn DN nhỏ, thị trường còn hạn chế, trình độ quản lý sản xuất chưa cao và mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Thời gian qua, mặc dù TP.HCM đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy DN phát triển, nhưng nhìn trên tổng thể trình độ công nghiệp áp dụng trong sản xuất chưa nhiều, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao, nên khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu.
Hiện có 266.471 DN đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM với tổng vốn điều lệ 2.021.597 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất với thứ tự lần lượt là 39,44%, 12,30%, 10,73% trong 17 ngành nghề hiện có. Những ngành nghề còn lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dù có những lĩnh vực rất “nóng” như kinh doanh bất động sản (2,14%), tài chính ngân hàng và bảo hiểm (1,31%).
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, với tính năng động và sáng tạo, DN ở TP.HCM là kênh thu hút vốn trong xã hội rất hiệu quả. Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn Thành phố, khu vực DN chiếm tỷ trọng cao, chiếm hơn 61% trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, một điều rất đáng lo ngại là sự phối hợp, liên kết, liên doanh của các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa trong sản xuất, kinh doanh, thị trường, phân chia chuỗi giá trị sản xuất… chưa được DN chú trọng.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết, sau 3 năm điều hành ở Công ty CP Đại Quang Minh với vai trò Tổng giám đốc, mới thấy có những rào cản, khó khăn không đến từ Thành phố mà đến từ Chính phủ. Cho nên, cần phải mổ xẻ, xem nó bất cập ở đâu để đề xuất giải pháp phát triển. Về phía DN, trong điều kiện hiện nay, nếu không nhìn nhận nghiêm túc những yếu kém, thiếu niềm tin vào thị trường và thể chế thì cũng sẽ rất khó cạnh tranh, trụ vững.
Chưa chú trọng liên kết, liên doanh
Thực tế cho thấy, khi gia nhập vào các hiệp định quốc tế như WTO, FTA, AEC..., có vô vàn thách thức mới đang đặt ra, khiến cộng đồng DN ở TP.HCM cũng như chính quyền Thành phố hết sức “đau đầu”. Ông Sử Ngọc Anh cho biết, Thành phố đang thực hiện 7 chương trình đột phá để tạo điều kiện cho DN phát triển. Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng cơ chế, chính sách để DN nắm chắc thời cơ, thách thức khi nước ta thực hiện các cam kết quốc tế.
“DN đóng góp ngày càng tăng trong GDP Thành phố. Với tầm quan trọng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khuyến cáo các DN cần rà soát lại chiến lược kinh doanh gắn với sự di chuyển của dòng tiền, vốn tín dụng, mặt bằng, lãi suất để có chiến lược kinh doanh hợp lý. Ngoài ra, DN nên chủ động tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết với các DN có tiềm lực tài chính khác để nâng cao năng lực tài chính của DN mình”, ông Sử Ngọc Anh khuyến khích.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, trong 266.471 DN đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM, hiện loại hình DN là công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm tỷ trọng cao nhất, với 48,05%; tiếp theo là công ty TNHH một thành viên chiếm 31,52%; công ty cổ phần chiếm 12,21%; DN tư nhân chiếm 8,22%; công ty hợp danh chiếm 0,01%. Xu hướng liên doanh, liên kết của DN ở TP.HCM chưa rõ và chưa mạnh, dù đây là một cách “chung lưng đấu cật” làm ăn được nhiều nơi lựa chọn.
Nói như ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nhân trên địa bàn năm 2016 do Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM tổ chức sáng 8/3 ở TP.HCM, thì “một cây làm chẳng lên non”. Vì vậy, theo ông Đinh La Thăng, ngoài việc phấn đấu đến năm 2020 phải tăng gấp đôi số lượng DN, thậm chí gấp 3, về cả số lượng và chất lượng, thì vấn đề phân theo loại hình DN cũng đặc biệt chú trọng, nhất là hướng đến việc liên kết, hợp tác, bởi “ba cây chụm lại sẽ nên hòn núi cao”.