ZTE nổi tiếng nhất với các thiết bị viễn thông. |
Mỹ quy định nhà cung cấp phải xin giấy phép để xuất khẩu thiết bị, linh kiện điện được sản xuất tại đây ra nước ngoài. Tuy nhiên, hãng công nghệ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống viễn thông ở Iran bằng những thiết bị được sản xuất tại Mỹ.
Sau 5 năm, các điều tra viên đã phát hiện ra cách ZTE tránh các quy định xuất khẩu của Mỹ. Công ty này mua linh kiện từ Mỹ để lắp vào thiết bị của mình, sau đó chuyển tới Iran.
Linh kiện sản xuất tại Mỹ chiếm tỷ lệ 25-30% và là chìa khoá thành công cho sản phẩm của ZTE. Theo người phát ngôn của ZTE, công ty này mua khoảng 2,6 tỷ USD linh kiện của các hãng công nghệ Mỹ mỗi năm, trong đó có Qualcomm, Microsoft, Intel...
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: “Chúng tôi muốn thông báo với thế giới rằng: Cuộc chơi này đã kết thúc. Những doanh nghiệp vi phạm các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế xuất khẩu sẽ phải chịu hình phạt nặng nề nhất”.
Giới chức Mỹ cáo buộc các lãnh đạo cấp cao ZTE biết về hoạt động của công ty này tại Iran. Nó đã được công bố trong một báo cáo vào năm 2012. Lãnh đạo cấp cao của ZTE đã trấn an các điều tra viên rằng, họ đã ngừng sản xuất tại Iran. Tuy nhiên, sau đó công ty này vẫn ngầm hoạt động ở đây.
Năm ngoái, hãng công nghệ Trung Quốc đã cải tổ các lãnh đạo cấp cao sau khi bị Mỹ áp dụng các quy định hạn chế xuất khẩu.
CEO ZTE - Zhao Xianming cho biết: “ZTE thừa nhận những sai lầm đã gây ra. Trách nhiệm thuộc về chúng tôi. Chúng tôi sẽ thay đổi công ty theo chiều hướng tích cực và giới thiệu những biện pháp quản lý mới”.
Các nhà đầu tư hoan nghênh ZTE đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Mỹ sau nhiều tháng bất ổn. Sau thông tin này, cổ phiếu của công ty này đã tăng 6% trên sàn chứng khoán Hong Kong vào hôm qua.