Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt “điểm nóng” nhu cầu quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 7 tháng đầu năm 2023, xuất siêu nước ta đạt 15,23 tỷ USD, nhưng thực tế cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh, lần lượt giảm 10,6% và 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO cho rằng, để chặn đà suy giảm và tiến tới lấy lại vị thế xuất khẩu hàng Việt Nam, đòi hỏi DN phải bán đúng mặt hàng quốc tế đang cần. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống công ty thương mại quốc tế gốc Việt và xử lý việc hoàn thuế thật tốt, mới có thể tạo lợi thế cho hàng Việt bước ra thế giới.

7 tháng đầu năm 2023 khi kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ giảm lần lượt 15,1%; 17%; 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

Các ngành hàng truyền thống như trên không phải năm nay mới giảm mà đã giảm kim ngạch xuất khẩu từ năm ngoái. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không đồng nghĩa với việc tổng nhu cầu hàng hóa trên thị trường quốc tế giảm, mà xuất phát từ việc chúng ta chậm nhìn ra cấu trúc nhu cầu hàng hóa quốc tế cần. Nếu cứ bám mãi vào các mặt hàng truyền thống trong khi nhu cầu tiêu dùng quốc tế thay đổi thì rất khó để bán được hàng, đạt được doanh số như các năm trước. Theo tôi, điều quan trọng là DN xuất khẩu cần nắm bắt “điểm nóng” nhu cầu tiêu dùng quốc tế và tìm cách bán hàng hóa quốc tế đang cần mà chúng ta có lợi thế sản xuất được. Khi thay đổi tư duy từ bán những gì chúng ta sản xuất được sang bán những gì thế giới cần thì chắc chắn hàng Việt Nam sẽ được tiêu thụ và thậm chí còn bán được giá cao.

Vậy làm thế nào để cảm nhận “điểm nóng” nhu cầu tiêu dùng trên trường quốc tế, theo ông?

Nhu cầu tiêu dùng quốc tế luôn luôn biến động, nhưng chúng ta có thể căn cứ vào các diễn biến lớn để nhận diện khẩu vị những mặt hàng quốc tế rất cần. Chẳng hạn, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khẩu trang là một loại “điểm nóng” nhu cầu. Nhiều DN Việt Nam đã tham gia cung ứng thời điểm đó và thu được lợi ích rõ rệt. Đầu năm nay, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu trận động đất chưa từng có và ngay sau đó, họ rất cần tái thiết đất nước. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cần rất nhiều nguồn hàng như các loại vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, chăn, ga, gối, đệm… thì chúng ta ở đâu? Rất nhiều DN Việt Nam khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, sắt, thép, xi măng đều ế ẩm, thiếu việc làm… Nếu nắm bắt tốt nhu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách giúp các DN xuất khẩu những hàng hóa, dịch vụ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang cần cho quá trình tái thiết, thì lợi ích sẽ là rất tốt cho các bên.

Theo tôi, thế giới luôn có những “điểm nóng” nhu cầu, vấn đề là DN nước ta cần nhận diện ra và cần có sự hỗ trợ, định hướng để nắm bắt các cơ hội thời cuộc.

Hiện sản lượng gạo Việt Nam vào châu Âu mới chỉ khoảng 1 - 2% so với tổng sản lượng gạo nước ta xuất ra quốc tế. Ảnh: Tiên Giang

Hiện sản lượng gạo Việt Nam vào châu Âu mới chỉ khoảng 1 - 2% so với tổng sản lượng gạo nước ta xuất ra quốc tế. Ảnh: Tiên Giang

Năm 2022, khi thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu đối diện với mùa Đông khắc nghiệt, cần một cách khác để “sưởi ấm”, một số DN Việt Nam đã xuất khẩu viên nén mùn cưa và thu được lợi ích đáng kể. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đang chậm lại, thưa ông?

Đầu năm ngoái, chúng tôi nhìn thấy nhu cầu viên nén mùn cưa tăng mạnh, do châu Âu thiếu một lượng rất lớn năng lượng để sưởi ấm, nên đã kêu gọi DN Việt Nam hướng đến xuất khẩu viên nén mùn cưa. Nhiều DN đã chuyển hướng xuất khẩu và Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới chỉ sau mỗi Mỹ về kim ngạch xuất khẩu viên nén mùn cưa (giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với 2021). Tuy nhiên, nhìn sâu hơn lại thấy, 97% viên nén mùn cưa từ Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc và Nhật Bản, chỉ chỉ có 3% là xuất khẩu vào châu Âu - thị trường đang cần nhất. Như vậy, thị trường cần nhất và có khả năng trả giá cao nhất cho viên nén mùn cưa từ Việt Nam thì chúng ta lại chưa khai thác đáng kể.

Nếu cộng cả dăm gỗ (năm 2022 xuất khẩu đạt 2,78 tỷ USD, tăng 60,4% so với năm 2021) và viên nén mùn cưa thì kim ngạch xuất khẩu năm 2022 là 3,5 tỷ USD, tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo (3,45 tỷ USD) và cao hơn nhiều kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam (2 tỷ USD). Viên nén mùn cưa và dăm gỗ là những sản phẩm có tuổi đời rất mới, mang tính thời vụ, nhưng lại đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong năm 2022. Sang năm 2023, chúng ta chịu sự cạnh tranh từ một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, nhưng cơ hội vẫn rất lớn nếu nhìn vào lợi thế nước ta có nguồn nguyên liệu dồi dào và thị trường châu Âu chưa được khai thác đáng kể. Châu Âu dự báo, họ có nhu cầu nhập khẩu viên nén mùn cưa với số lượng tăng 34 lần từ nay đến năm 2030. Nếu biết nắm bắt cơ hội và phát triển thành dòng chảy thương mại từ Việt Nam sang châu Âu thì kết quả sẽ không chỉ tốt cho kim ngạch xuất khẩu, mà còn tốt cho môi trường sinh thái, khi đây là loại nhiên liệu sạch, rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh.

Một số nền kinh tế, trong đó có Ấn Độ mới quyết định cấm xuất khẩu gạo. Theo ông, đây là thách thức hay cơ hội cho DN Việt Nam?

Việt Nam đang ở vị trí thứ hai, thứ ba về xuất khẩu gạo, nên khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo thì rõ ràng, đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam bán nhiều hơn ra quốc tế. Đặc biệt, trong quan sát về mặt hàng này, tôi thấy DN nước ta chưa khai thác tốt cơ hội xuất sang châu Âu, nhất là khi Việt Nam và châu Âu đã có FTA và gạo Việt Nam đã có thương hiệu ngon nhất thế giới. Hiện sản lượng gạo Việt Nam vào châu Âu mới chỉ khoảng 1 - 2% so với tổng sản lượng gạo nước ta xuất ra quốc tế. Nếu chúng ta điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng tìm cách đẩy mạnh xuất gạo vào châu Âu, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh, mà không nhất thiết phải tăng tổng lượng gạo xuất khẩu.

Nhu cầu viên nén mùn cưa tăng mạnh, do châu Âu thiếu một lượng rất lớn năng lượng để sưởi ấm. Ảnh minh họa: Internet

Nhu cầu viên nén mùn cưa tăng mạnh, do châu Âu thiếu một lượng rất lớn năng lượng để sưởi ấm. Ảnh minh họa: Internet

Trong bức tranh đưa hàng Việt Nam ra thế giới, đâu “mắt xích yếu”, theo ông?

Thế giới có dân số 8 tỷ người, nhu cầu hàng hóa luôn thường trực, rất lớn, trong đó luôn có những “điểm nóng” về nhu cầu theo các diễn biến thời cuộc ở từng quốc gia hay khu vực. Điểm khó nhất là DN Việt Nam phải nắm bắt được thông tin và nhạy bén với các cơ hội trên toàn cầu.

Trong việc này, mắt xích yếu của nước ta còn là thiếu các công ty thương mại gốc Việt, có khả năng kết nối hàng Việt ra quốc tế. Một trong những nguyên nhân khiến hàng dệt may của nước ta sụt giảm vì là các công ty thương mại bán hàng từ Việt Nam ra quốc tế hầu hết không phải là công ty Việt Nam. Những công ty trung gian không sinh ra ở đất nước Việt Nam, không có sự gắn bó và tình cảm với Việt Nam nên họ sẵn sàng chọn hàng hóa các quốc gia khác để bán. Khi thị trường toàn cầu sụt giảm, các công ty thương mại “chạy” theo cách của họ và để lại nguyên hệ thống sản xuất tại Việt Nam. Đây là điều nguy hiểm. Tôi cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ công ty thương mại quốc tế, bởi chỉ đội ngũ này mới đủ khả năng và độ nhạy bén tìm ra các “điểm nóng” nhu cầu tiêu dùng. Tìm ra được rồi thì sẽ kết nối DN Việt sản xuất hàng quốc tế cần và có khả năng bán được giá cao.

Ngoài nỗ lực tự thân DN, theo ông, nhà quản lý cần làm gì để hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu?

DN cần rất nhiều sự trợ giúp từ cơ quan chức năng, như xây dựng các FTA, hay đàm phán nâng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn. Trong mong đợi trực diện hơn, chúng tôi mong và cũng đã kiến nghị nhiều lần với Chính phủ là cần có cơ chế thông thoáng, rành mạch và thoải mái để công ty thương mại khi xuất khẩu có thể hoàn được thuế giá trị gia tăng (VAT). Bởi khi không hoàn được VAT hoặc bị gây khó dễ, công ty thương mại sẽ có xu hướng cộng thêm khoảng 7 - 8% vào giá để tăng giá bán lên. Đây chính là lý do khiến hàng Việt Nam mất vị thế cạnh tranh so với hàng của các quốc gia khác. Cứ mỗi mắt xích mất một chút, chúng ta sẽ mất rất nhiều, rất lãng phí lợi ích lớn mà đáng ra Việt Nam được hưởng khi đạt được FTA với quốc tế.

Tin cùng chuyên mục