Xuất xứ nguyên liệu là thách thức rất lớn đối với ngành dệt may để tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Ảnh: Lê Tiên |
Lo ngại gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng
Chưa bàn về chuyện đúng sai, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có hay không vi phạm pháp luật, mà hãy nhìn vào những con số đáng suy ngẫm. Tại cuộc họp báo được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2019, Asanzo cho biết đã phải đóng cửa nhà máy sau khi bị cáo buộc nhập khẩu hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và bị các cơ quan chức năng thanh kiểm tra. Mọi hoạt động của DN dường như bị đóng băng, đình trệ. Asanzo ước tính mức thiệt hại trong 3 tháng xảy ra khủng hoảng lên tới 1.000 tỷ đồng, chưa tính DN sẽ cần khoảng chừng ấy tiền để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như xây dựng lại niềm tin với đối tác, khách hàng. “Kết quả của hơn 20 năm xây dựng thương hiệu đã trở về số 0”, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT của Asanzo chia sẻ.
Quay trở lại với câu chuyện Khaisilk vào tháng 10/2017. Chắc hẳn độc giả vẫn còn nhớ, Khaisilk bị một khách hàng phản ánh mua khăn lụa không đúng xuất xứ trên nhãn mác “Made in Vietnam”. Vụ việc gây chấn động cả xã hội. Sau đó, Khaisilk đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng nặng nề về uy tín, thương hiệu, nhiều biển hiệu bị tháo gỡ, nhiều cửa hàng phải đổi chủ…
Mới đây, Bộ Công Thương vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng DN Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó gia công để xuất khẩu hoặc bán cho các DN khác xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, một số DN nước ngoài núp bóng đầu tư để lấy C/O xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, gỗ ghép (mã HS 4412) sang thị trường Mỹ năm 2018 (trong đó chủ yếu là gỗ dán) đạt 189,6 triệu USD, tăng 270% so với năm 2017.
Những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa có thể gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu Việt, làm sụp đổ niềm tin của đối tác, người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hồi đầu tháng 7/2019, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải thừa nhận một thực tế, hiện Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa như thế nào thì được gọi là “sản xuất tại Việt Nam” hay “hàng hóa của Việt Nam”…
Kết quả làm việc của Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ với các hiệp hội mới đây cũng cho thấy, các quy định hiện hành liên quan đến xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo, bất cập. Chẳng hạn như quy định các nội dung bắt buộc về ghi nhãn; quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước; quy định về tính giá trị của nguyên liệu trong giá trị hàng hóa xuất khẩu để cấp xuất xứ đối với một số mặt hàng chưa chặt chẽ…
Điều này khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý những vụ việc như Asanzo; còn DN lại lợi dụng tranh tối, tranh sáng, kẽ hở của pháp luật để làm ăn chộp giật.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị đưa vào “tầm ngắm” điều tra về lẩn tránh thuế, phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ… Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc kiểm soát gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh thuế đã và đang đặt ra bài toán khó với Việt Nam.
Kiểm soát chặt, không tiếp tay cho gian lận xuất xứ
Xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia vốn đã rất vất vả, nhưng giữ được uy tín của thương hiệu còn khó hơn.
Cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được báo cáo và quản lý (IUU) là bài học đắt giá. Xuất khẩu thủy sản vào EU từ vị trí số 1 rơi xuống vị trí thứ tư, khiến cả hệ thống các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thủy sản phải vào cuộc tháo gỡ. Nếu không giải quyết được vấn đề này, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ - tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và các thị trường khác.
Còn đối với ngành dệt may, bà Phan Quỳnh Chi, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cảnh báo, xuất xứ nguyên liệu là thách thức rất lớn đối với ngành dệt may hiện nay để có thể tận dụng được cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Do đó, các DN cần tránh ăn xổi, cảnh giác với tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa để trốn thuế.
Để bảo vệ những DN làm ăn chân chính, luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, không thể để tồn tại tình trạng DN làm ăn giả dối - hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bơm tạp chất vào tôm, đánh bắt hải sản không đúng các quy định, phun thuốc trừ sâu và sử dụng chất bảo quản vô tội vạ…
“Đây không chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, mà là hành động phá hoại gây thiệt hại cho cả một ngành hàng, hình ảnh của đất nước - một quốc gia đáng tin cậy, thân thiện, an toàn và đạo đức. Sau khi đã được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nếu tổ chức, cá nhân vẫn cố ý vi phạm, chế tài xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự phải nghiêm”, luật sư Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh gia tăng lo ngại về gian lận xuất xứ hàng hóa, lẩn tránh thuế, nhiều hiệp hội DN, ngành hàng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục khẳng định quan điểm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và phòng tránh nguy cơ bị các quốc gia áp dụng các biện pháp bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trước thực trạng đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu và đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, các hiệp hội DN đẩy mạnh tuyên truyền các DN tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp chống lẩn tránh thuế, biện pháp phòng vệ thương mại.