Ảnh Internet |
Đã từng hấp dẫn nhất thế giới
Năm 2008, Việt Nam từng được A.T Kearney - một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ - đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hong Kong, Trung Quốc, Singapore hay Malaysia. Những đánh giá này dựa trên sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu.
Tuy nhiên, vào những năm sau đó, Việt Nam dần dần tụt hạng. Từ vị trí số 1 năm 2008, Việt Nam đã rớt xuống thứ 5 năm 2009, thứ 14 năm 2010, thứ 23 năm 2011 và thứ 28 năm 2014.
TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số bán lẻ của doanh nghiệp (DN) Nhà nước chỉ chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ, trong khi DN ngoài nhà nước chiếm 86%, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 4%. Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của DN FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị của cả nước, song doanh số bán ra tại một điểm lại gấp 3 - 4 lần, thậm chí 7 - 8 lần so với 1 điểm của siêu thị nội do quy mô lớn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trong bối cảnh hội nhập, những mặt hàng của Việt Nam đang có thế mạnh cũng phải chịu sức ép cạnh tranh. Năng lực quản lý yếu kém, DN Việt không chỉ đối diện với mất thị phần mà còn lo ngại khả năng bị thâu tóm.
Tìm khoảng trống để mở rộng thị phần
Việt Nam hiện đã không còn tên trong Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đây là điều đáng báo động cho một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng.
Theo TS. Lê Huy Khôi, Việt Nam với 90 triệu dân là nguyên nhân chính để được xếp thứ hạng cao trong tăng trưởng thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, so với tình hình thực tế phân bố dân cư hiện nay thì mạng lưới bán lẻ còn khá thưa thớt. Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có một đại siêu thị, một trung tâm thương mại; 10.000 dân thì cần một siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân thì cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần.
Báo cáo của Nielsen được TS. Lê Huy Khôi dẫn chứng cũng cho thấy, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu người năm 2020. Thói quen mua sắm gia đình thay đổi sẽ tạo thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển. Những điều này mở ra cơ hội mới đầy tiềm năng cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
Để cải thiện tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ thị phần bán lẻ, TS. Lê Huy Khôi đưa ra giải pháp là DN bán lẻ tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế. Bên cạnh đó, cần liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng thật chắc chắn trên thị trường nội địa, vì nếu không có nền sản xuất nội địa tốt thì khó có cơ hội phát triển trên thị trường bán lẻ và cạnh tranh với DN ngoại.
Ông Khôi cũng khuyến nghị, Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi đối với DN bán lẻ trong nước như dành vị trí thuận lợi kèm chính sách giá thuê hợp lý, các loại thuế, vốn và lãi suất phù hợp, điều chỉnh cơ chế chính sách thông thoáng…
Đối với nhà bán lẻ nước ngoài, ông Khôi cho rằng, trong việc giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cần có những ràng buộc cụ thể. DN hoạt động có lãi, nộp thuế ít nhất 3 năm mới được chuyển nhượng và trong trường hợp bán lại cần ưu tiên bán cho DN Việt Nam.