Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Thiếu nhất quán trong thực thi

(BĐT) - Hết quý III/2019, trong khi các bộ đã cơ bản hoàn thành yêu cầu về cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thì công tác cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) lại “dậm chân tại chỗ”.
Có tình trạng cùng một vấn đề, sự việc, nhưng các cơ quan hải quan địa phương khác nhau áp dụng khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Có tình trạng cùng một vấn đề, sự việc, nhưng các cơ quan hải quan địa phương khác nhau áp dụng khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Thực tế có hiện tượng một số cải cách về quản lý, KTCN không những chưa đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) mà còn  gây tốn kém về thời gian, chi phí và thậm chí làm ảnh hưởng đến lòng tin của DN.

Bất cập trong thực thi

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021 (NQ02) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ cho thấy, công tác cải cách quản lý, KTCN còn rất nhiều việc phải làm. Nổi cộm là, trong quý III/2019, công tác này đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể.

“NQ02 nhấn mạnh trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, KTCN. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Báo cáo cho biết, một số cải cách chưa đem lại thuận lợi cho DN do bất cập trong quá trình thực thi, thậm chí, một số hoạt động quản lý chuyên ngành có xu hướng mở rộng thêm hoặc quản lý chồng chéo, gây tốn kém thời gian, chi phí và làm giảm lòng tin của DN.

Điển hình là bất cập trong thực thi các quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế tại các cơ quan hải quan. Theo phản ánh của các DN thì nhiều sản phẩm nhập khẩu không thuộc diện phải xin xác nhận của Bộ Y tế (Thông tư 30/2015/TT-BYT), nhưng một số cơ quan hải quan vẫn yêu cầu DN thực hiện. Điều này gây khó khăn, bức xúc lớn cho DN, làm chậm thời gian giải phóng hàng; phát sinh thủ tục hành chính, tạo áp lực công việc đối với Bộ Y tế. Cụ thể, mặt hàng trang thiết bị y tế không nằm trong Danh mục phải xin giấy phép của Bộ Y tế, DN chấp nhận đóng thuế VAT 10% hoặc mức thuế theo quy định, nhưng cơ quan hải quan vẫn yêu cầu DN phải xin xác nhận của Bộ Y tế…

Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cùng một vấn đề, sự việc, nhưng các cơ quan hải quan địa phương khác nhau áp dụng khác nhau. Một số cơ quan hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, cho phép DN thông quan hàng hóa, nhưng một số cơ quan khác thì yêu cầu bổ sung xác nhận của Bộ Y tế trước khi thông quan. Đặc biệt, yêu cầu này của cơ quan hải quan không được làm thành văn bản mà chỉ là yêu cầu bằng lời nói.

Bên cạnh đó là một số bất cập trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động do vướng mắc trong thực hiện Nghị định 44/2016/NĐ-CP. Phản ánh của một số DN cho biết, quy định về phân công thẩm quyền cho 9 bộ quản lý chuyên ngành tại Nghị định không những không tạo thuận lợi hơn cho DN mà còn dẫn tới vướng mắc, khó khăn nhiều hơn; không thực hiện theo nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý về an toàn lao động. Trước đây, các DN hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì nay phải xin giấy phép của 9 Bộ với cùng một nội dung công việc. Chưa hết, Bộ Xây dựng không thừa nhận các chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ kiểm định viên do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội huấn luyện, sát hạch, quản lý và cấp trước đây cho dù các chứng chỉ này có giá trị tương tự. Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các kiểm định viên phải học lại các chương trình huấn luyện nghiệp vụ do Bộ này tổ chức và cấp chứng chỉ.

Điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại lớn với doanh nghiệp

Thông tin về hoạt động cải cách ĐKKD, Bộ KH&ĐT cho hay, đến quý III/2019, về cơ bản, các bộ đã hoàn thành yêu cầu về cắt giảm số lượng ĐKKD. Tuy vậy, qua rà soát cho thấy vẫn còn nhiều ĐKKD gây khó cho DN, ít ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước.

Kết quả khảo sát thực tế về việc công khai các ĐKKD cắt giảm cũng cho thấy, hầu hết các bộ mới chỉ đăng tải công khai các ĐKKD sau khi cắt giảm, nhưng chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và DN; chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này. Hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về cải cách ĐKKD.

Đồng tình với đánh giá trong Báo cáo, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, hiện có 2 rào cản cản trở sự phát triển của đội ngũ DN tư nhân Việt Nam, đó là: DN tư nhân sợ lớn và muốn lớn nhưng không lớn được. Rào cản này bắt nguồn từ việc môi trường kinh doanh dù được cải thiện, song vẫn chưa thực sự thuận lợi, an toàn đối với DN… Vì vậy, trong thời gian tới, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh cần mạnh mẽ hơn nữa, nhất là cắt giảm thực chất ĐKKD, KTCN.

Tin cùng chuyên mục