Doanh nghiệp phải chủ động kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu và phấn đấu vươn lên để nắm giữ được những mắt xích có giá trị cao hơn. Ảnh: Việt Hưng |
Trong thành công nói trên có phần đóng góp to lớn từ tư bản tri thức và tư bản tài chính của Samsung, nhưng cũng có phần đóng góp không nhỏ từ sự sáng dạ và bàn tay khéo léo của những người công nhân Việt Nam. Một chuỗi giá trị toàn cầu được hình thành, và người Việt chúng ta đã tham gia vào chuỗi giá trị này. Cho dù mắt xích mà chúng ta nắm giữ (lắp ráp linh kiện) có giá trị không cao, nhưng thiếu nó thì chuỗi giá trị kia cũng khó có thể kết nối thành công được. Trong một chuỗi giá trị chẳng có mắt xích nào là không quan trọng. Một chuỗi giá trị chỉ vững chắc bằng mắt xích yếu nhất của nó mà thôi.
Ví dụ cụ thể về những chiếc điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam của hãng Samsung cho thấy chúng ta đang làm kinh tế như thế nào trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta đang ngày càng không làm bất cứ một thứ gì từ A đến Z. Chúng ta chủ yếu chỉ đang tham gia vào (hoặc nắm giữ) một hoặc một vài mắt xích của chuỗi giá trị mà thôi. Thực tế cho thấy hùng mạnh như Samsung, phát triển như đất nước Hàn Quốc thì cũng không tự mình làm lấy tất cả. Chiến lược phát triển kinh tế của chúng ta trong thời đại hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 chính vì vậy phải là: Chủ động kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu và phấn đấu vươn lên để ngày càng nắm giữ được những mắt xích mới có giá trị cao hơn.
Với sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia nắm giữ các mắt xích trong chuỗi giá trị như vậy, thì chúng ta phải hiểu về độc lập và chủ quyền kinh tế như thế nào?
Độc lập còn có nghĩa là chúng ta phải tự hoạch định lấy tương lai kinh tế của mình. Chúng ta không làm điều này theo mệnh lệnh của bất kỳ ai. Chúng ta cũng không làm điều này để cho vừa lòng của bất kỳ ai. Tất nhiên, tự hoạch định lấy tương lai kinh tế thì không có nghĩa là muốn hoạch định thế nào cũng được. Chúng ta phải chấp nhận luật chơi chung. Chúng ta phải phát huy lợi thế của đất nước và phải mang đến cho nhân loại những giá trị của chúng ta.
Độc lập kinh tế gắn với chủ quyền kinh tế. Chúng ta chào đón các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư và làm ăn ở Việt Nam, nhưng đã làm ăn ở Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, phải đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất của chủ quyền. Điều đáng nói ở đây là hệ thống pháp luật của Việt Nam đang ngày càng tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực quốc tế. Thực ra, sau khi gia nhập WTO, chúng ta đã sửa đổi hàng loạt văn bản pháp luật của mình để bảo đảm sự phù hợp của hệ thống pháp luật với các chuẩn mực quốc tế.
Cho dù chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trỗi dậy, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn sẽ là thời đại của hội nhập, của liên kết toàn cầu. Phát huy thế mạnh của con người Việt Nam, của địa chính trị và địa kinh tế Việt Nam để chủ động tham gia cuộc chơi chung của nhân loại chính là sự độc lập, tự chủ về kinh tế vậy.