Việt Nam đang chuyển từ nền kinh tế cạnh tranh dựa vào nhân tố sang nền kinh tế cạnh tranh dựa vào hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên |
Đe dọa sự phát triển của Việt Nam
Năm 2019, quy mô kinh tế Việt Nam đạt khoảng 262 tỷ USD, tăng gấp 1,3 lần so với 2015. Thu nhập bình quân đầu người hiện gần 2.800 USD. Chính phủ nhận định, tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) ngày 19/9/2019, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Bẫy thu nhập trung bình chính là cái đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam”.
Những tồn tại, hạn chế chủ yếu của Việt Nam là nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng ứng phó với những tác động bất định bên ngoài còn hạn chế và năng lực tiếp cận nền kinh tế số - tương lai của các nền kinh tế trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 - còn nhiều bất cập.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 6. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam chỉ bằng 12% tổng GNI của khu vực Đông Nam Á, còn GNI bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 48,3% mức GNI bình quân đầu người của khu vực theo USD giá thực tế và bằng khoảng 52,5% tính theo sức mua tương đương.
Trong khu vực ASEAN, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn của Campuchia, Myanmar và Timor-Leste. So với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, GNI của Việt Nam chỉ bằng khoảng 0,9% tổng GNI, trong khi GNI bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 21,3% mức GNI bình quân đầu người của khu vực này tính theo USD giá thực tế và bằng 35,5% tính theo sức mua tương đương. So với thế giới, GNI bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng khoảng 21% mức bình quân của thế giới tính theo USD giá thực tế và khoảng 38% theo sức mua tương đương.
Từ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), Việt Nam đã xác định 3 trọng tâm chiến lược phát triển là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, nên đã nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế, song những kết quả đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng.
Chỉ dừng ở lắp ráp thì không đủ
Đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó là: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng; tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển; cải thiện cơ chế quản trị và quản lý của Chính phủ, tạo ra một cơ chế minh bạch, một môi trường ổn định và bền vững cho các nhà đầu tư dài hạn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, không chỉ đầu tư vào giáo dục đại học mà còn cần đầu tư vào giáo dục nghề, và giáo dục tại tất cả các bậc học, theo đó hệ thống giáo dục cần gắn với phát triển thị trường lao động.
Những nội dung trên đều cần được thực hiện, song việc cần chú trọng trước hết là tăng năng suất lao động đi đôi với sử dụng hiệu quả hơn các nguồn đầu tư công, giải quyết các vấn đề tham nhũng, cải cách hành chính... nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến cuối năm 2018, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), còn tính theo giá so sánh đã tăng 6% so với năm 2017. Tính chung giai đoạn 2011 - 2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm (cao hơn hẳn so với mức 3,17%/năm trong giai đoạn 2007 - 2010).
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Xét trong mối liên quan với tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm qua. Tuy nhiên, việc cải thiện tăng trưởng kinh tế từ năng suất lao động hiện đang đối mặt với thách thức lớn nhất là đội ngũ lao động có tư duy nông nghiệp lâu đời và tỷ lệ lao động qua đào tạo còn quá thấp ở Việt Nam hiện nay. Nếu chỉ dừng ở gia công, lắp ráp thì Việt Nam sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Đang chuyển sang giai đoạn cạnh tranh dựa vào hiệu quả
Độc lập về công nghệ trên cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo là tiêu chuẩn của một nền kinh tế thu nhập cao bền vững. Điểm mấu chốt là tạo ra động lực để các doanh nghiệp tư nhân tự lực, tự cường trong việc học hỏi, tiếp thu, nắm bắt và làm chủ công nghệ hiện đại.
Chính phủ cần làm tốt vai trò thúc đẩy R&D, lựa chọn đúng lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư, xây dựng thể chế tốt, hạ tầng tốt, hệ sinh thái thân thiện và chuyển đổi nhanh chóng cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chuyển đổi kinh tế diễn ra theo 3 giai đoạn: từ nền kinh tế cạnh tranh dựa vào nhân tố sang nền kinh tế cạnh tranh dựa vào hiệu quả đến nền kinh tế cạnh tranh dựa vào đổi mới, sáng tạo. Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức chuyển dịch từ nền kinh tế cạnh tranh dựa vào nhân tố sang nền kinh tế cạnh tranh dựa vào hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu có chiến lược phát triển công nghệ đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể không phải đi theo chặng đường dài 3 - 4 thập kỷ nữa mới vươn tới nền kinh tế có thu nhập cao. Nền kinh tế số với tự động hóa và trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng năng suất lao động ở các quốc gia có thu nhập trung bình từ 0,8 - 1,4%/năm cho đến năm 2030.
Một trong những điểm yếu của Việt Nam là trong các trụ cột về năng lực cạnh tranh thì năng lực đổi mới lại được đánh giá là yếu nhất, chỉ đạt 33/100 điểm vào năm 2018. Khảo sát về tính sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đạt được 4,9 điểm, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... và điểm số thấp nhất của Việt Nam cũng chính là trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tóm lại, muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách phát triển, không để tụt hậu so với khu vực và thế giới thì Việt Nam có rất nhiều việc phải làm và phải làm thành công, trong đó yếu tố quyết định là Chính phủ cải cách thể chế và khu vực kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo.