Đổi mới hiệu quả lấy doanh nghiệp làm trung tâm

(BĐT) - Báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng coi phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế là rường cột để Việt Nam đi lên một cách mạnh mẽ và bền vững.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Năng suất của DN đang đi xuống

Tại  Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” vừa diễn ra tại TP.HCM, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định: “Đầu tư công nói chung và phần lớn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không hiệu quả. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất của việc tăng trưởng năng suất ở Việt Nam suy giảm là do năng suất của khu vực tư nhân trong nước bị giảm sút mạnh, khiến cho khu vực này cũng kém hiệu quả như khu vực công”.

Báo cáo Việt Nam 2035 cho biết, các DN tư nhân trong nước thường rất nhỏ, do vậy khó có thể tăng năng suất bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo, những nhân tố bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Hơn nữa, các DN nhỏ ngày càng trở nên thâm dụng vốn, nhưng do thiếu hiệu quả kinh tế về quy mô, nên năng suất vốn của các DN đó bị suy giảm mạnh. Trong khi đó, các DN tư nhân lớn không chỉ ít về số lượng mà thường kém hiệu quả hơn cả các DN nhỏ, khi họ tập trung phần lớn đất đai và tài sản vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, và các lĩnh vực có mức tăng trưởng năng suất thuộc loại thấp nhất Việt Nam.

Đi sâu vào nguyên nhân của các tình trạng trên, các chuyên gia xây dựng Báo cáo đều cho rằng, tình trạng thương mại hóa dần dần thiết chế nhà nước (quan hệ thân hữu với Nhà nước quyết định khả năng phát triển của DN) cùng với cách tiếp cận không đồng đều, cục bộ đã dẫn tới cản trở cải cách.

Ba trụ cột để phát triển bền vững

Báo cáo Việt Nam 2035 cũng nêu bật những ưu tiên cải cách trong các lĩnh vực để tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ và bền vững. Đó là xây dựng nền tảng của một hệ thống đổi mới quốc gia hiệu quả lấy DN làm trung tâm. Thúc đẩy các trung tâm đô thị trở thành động cơ tăng trưởng trong tương lai. Đảm bảo bền vững về môi trường và khả năng chống chịu trước biển đổi khí hậu toàn cầu.

Tại Báo cáo này, khái niệm kỷ luật thị trường đối với Nhà nước cũng là một thông điệp mạnh mẽ. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường kỷ luật thị trường đối với khu vực nhà nước. “Vai trò của Nhà nước và mối liên hệ với thị trường phải được làm rõ. Các yếu tố chính bao gồm tăng cường sự đảm bảo về quyền sở hữu, thực thi cạnh tranh, và giảm thiểu thủ tục hành chính, quản lý tốt hơn sự tham gia của Nhà nước về kinh tế”, bà Phạm Chi Lan khẳng định.

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sandeep Mahajan, lộ trình Việt Nam đề ra không chỉ là mục tiêu tăng trưởng GDP, mà còn phải gắn với ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và bình đẳng về hòa nhập xã hội, xây dựng một nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.

“Tức là chúng ta phải tôn trọng thị trường, Nhà nước không can thiệp vào thị trường, Nhà nước có năng lực và có trách nhiệm giải trình trước người dân. Đây chính là bức tranh lớn trong Khát vọng Việt Nam 2035, thực sự đây cũng là chương trình phát triển đầy thách thức của Việt Nam trong 20 năm tới…” - ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.