Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 tạo nền tảng tốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp |
Báo Đấu thầu xin giới thiệu tới bạn đọc góc nhìn của các nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) về tác động của hai luật này đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN sau hơn nửa năm luật đi vào cuộc sống.
- Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Sau khi Luật DN 2014 ra đời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời cho các DN. Chỉ trong vòng 3 tháng, liên tiếp có 3 nghị định là Nghị định số 81 (về công bố thông tin của DN nhà nước); Nghị định số 96 (quy định chi tiết một số điều của Luật DN), Nghị định số 78 (về đăng ký DN). Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của cơ quan ban hành chính sách về đầu tư và DN.
Theo ghi nhận của chúng tôi, niềm tin của các nhà đầu tư, DN khi tham gia thị trường đang được bảo đảm hơn bao giờ hết. Những góp ý về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và DN luôn được ghi nhận và lắng nghe kịp thời. Tác động tích cực nhất của Luật Đầu tư và Luật DN mà chúng tôi nhận thấy là làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến với Việt Nam ngày càng tăng cả về chất lẫn lượng. Bản thân các DN trong nước cũng chủ động hơn khi tự tìm kiếm thị trường, cơ hội để đẩy mạnh sức sản xuất, cơ cấu lại bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn.
- Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Tân Đoàn Việt
Theo tôi, Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 đã đưa ra rất nhiều quy định mới mang tính đột phá, được cộng đồng DN đánh giá cao.
Cụ thể, đối với Luật Đầu tư 2014, các thủ tục hành chính đã cải cách mạnh mẽ. Ngoài việc bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, Luật còn rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây. Nói chung, các trình tự, thủ tục, hồ sơ… đã được đơn giản hóa rất nhiều.
Tương tự, Luật DN mới ban hành đã thể hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh của DN, giúp kéo giảm rủi ro và tăng tính chủ động cho DN. Song song đó, Giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ có những thông tin cơ bản như mã số DN, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật, không bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN.
Giảm bớt thủ tục thì giảm bớt chi phí. Trong bối cảnh hội nhập, nếu chúng ta không đổi mới, môi trường đầu tư không thông thoáng thì DN trong nước sẽ tìm ra các môi trường bên ngoài lãnh thổ để đầu tư, trong khi các DN bên ngoài thì lại ngại vào.
Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Điều này chứng tỏ, những cải cách của Việt Nam lâu nay trên mọi bình diện, nhất là môi trường đầu tư và môi trường pháp lý rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đột phá nhiều hơn nữa, bởi quy luật vận động của xã hội, của kinh tế thị trường là không ngừng nghỉ nên nếu chúng ta dừng lại thì sẽ tụt lùi.
- Ông Budi Siswoyo, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Thăng Long
Xi măng Thăng Long có một sứ mệnh lâu dài là đến năm 2030 sẽ “trở thành một tập đoàn xi măng hàng đầu tại Việt Nam" và hiện tại chúng tôi đang nỗ lực thực hiện đúng lộ trình để cán đích mục tiêu đề ra. Năm 2012, Công ty chính thức được thay đổi quyền sở hữu sau khi Tập đoàn Semen Indonesia (PTSI) mua lại 70% cổ phần.
Thời điểm Semen tham gia đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều thay đổi tích cực trong hệ thống chính sách về đầu tư và DN. Đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật DN 2014 của Việt Nam được chúng tôi đánh giá là đã đặt DN và nhà đầu tư làm trung tâm để thấy được cái khó của các DN, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ nhanh, giúp việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi hơn. Hai chính sách luật quan trọng này đã đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng hơn trước rất nhiều.
Chúng tôi hi vọng, với những tác động tích cực của Luật Đầu tư và Luật DN, Semen sẽ nỗ lực để đưa Xi măng Thăng Long ghi dấu ấn đậm nét hơn trên thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp đánh giá, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 là khung chính sách chất lượng, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh
- Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO
Luật DN 2014 đã cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, DN. Luật DN 2014 có tính đột phá, đổi mới, cải cách, cải tiến về đăng ký kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho khởi sự DN. Có 3 điểm tiến bộ đáng ghi nhận của Luật là tự do về con dấu, tự do đại diện pháp luật, và tự do kinh doanh. Tôi ủng hộ hết mình quan điểm đổi mới này. Nhưng sẽ khó thực hiện nếu như không có sự đổi mới đồng bộ, tương thích của các quy định pháp luật liên quan như Luật Kế toán; Luật Thanh tra, kiểm tra…
- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Luật Đầu tư và Luật DN 2014 là những văn bản quy định pháp luật được đánh giá là có tác động tốt đối với DN nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh nói chung. Khác với cách tiếp cận trước đây là người dân và DN phải “đỏ mắt” đi tìm từng quy định để xem mình có được đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực đó hay không, thì nay tất cả được tập hợp lại và công bố công khai trong Danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật DN; còn lại những ngành nghề mà Nhà nước không cấm, thì DN được tự do kinh doanh. Đây là một chế định được cộng đồng kinh doanh rất ủng hộ vì có cách tiếp cận mới, hiện đại và rất phù hợp, tạo nhiều thuận lợi cho DN.
- Ông Phạm Văn Chắt, Trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Chúng ta đang đứng trước những vận hội mang tính bước ngoặt khi tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới, ưu việt của các nền kinh tế tiên tiến. Hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp bị tác động rất lớn và cần sự chuẩn bị chu đáo để thích ứng với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ góc độ một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, tôi nhận thấy, khung chính sách của Luật Đầu tư, Luật DN mới là rất chất lượng. Đó là tinh thần bảo vệ tối đa quyền lợi DN, của nhà đầu tư, đặc biệt là của nhà đầu tư nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ được coi là nền tảng cho nỗ lực đổi mới, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh mới, khi hội nhập sâu và rộng trở thành câu chuyện hàng ngày của từng DN muốn tồn tại và phát triển.
- Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững Holcim Việt Nam
Cam kết của Holcim là luôn nỗ lực để đưa đến những sản phẩm có giá trị bền vững cao, thể hiện qua nhiều ý nghĩa tác động vào môi trường, giáo dục. Luật Đầu tư và Luật DN 2014 luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để những nhà đầu tư hướng đến giá trị bền vững. Khi triển khai các dự án của mình, Holcim luôn coi tiêu chí “an toàn, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa phát thải và sinh lợi cho cộng đồng địa phương” để áp dụng.
Chúng tôi cho rằng, khung chính sách về kinh doanh, doanh nghiệp và đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đã tạo ra một môi trường hấp dẫn nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Luật DN và Luật Đầu tư là nền tảng cơ bản của Chính phủ để xây dựng một nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh nhưng luôn coi phát triển bền vững làm nòng nốt.