Đối phó giảm tốc kinh tế, Trung Quốc tiếp tục tung gói giảm thuế 29 tỷ USD

Đây là gói giảm thuế trong thời gian 3 năm dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ...
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc - Ảnh: AsiaNews.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc - Ảnh: AsiaNews.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục áp dụng phương pháp nhỏ giọt để hạn chế đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, bằng cách tung một gói giảm thuế có quy mô 200 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ USD.

Theo tin từ Bloomberg, thông tin về gói giảm thuế trên được truyền thông Trung Quốc công bố vào cuối ngày 9/1. 

Đây là gói giảm thuế trong thời gian 3 năm dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - lực lượng giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Chương trình hỗ trợ này được đưa ra đồng thời với kế hoạch của Bắc Kinh về tăng mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm nay.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) từng tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm giải phóng một lượng vốn tương đương khoảng 117 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng. 

Hồi tháng 12, PBoC cũng triển khai một chương trình khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị kẹt vốn do chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh.

Loạt biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có thêm nhiều dấu hiệu giảm tốc đáng lo ngại. Số liệu công bố ngày 9/1 cho thấy doanh số thị trường ôtô Trung Quốc giảm 6% trong năm 2018, đánh dấu năm giảm đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ.

Việc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng theo kiểu nhỏ giọt được cho là xuất phát từ nỗi lo rằng một gói kích cầu lớn sẽ làm gia tăng mức nợ trong nền kinh tế và gây mất ổn định tài chính.

"Chắc chắn là Chính phủ Trung Quốc muốn kích thích nền kinh tế, nhưng cũng lo ngại về sự giảm sút tăng trưởng thu ngân sách, cũng như vấn đề ổn định tài khóa trong dài hạn khi mà dân số lão hóa", ông Larry Hu, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Macquarie Securites ở Hồng Kông, nhận định.

Trong quý 3/2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Theo dự báo của giới phân tích, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng 6,4% trong quý 4 vừa qua.

Việc áp dụng song song các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng đồng nghĩa với việc ngân sách Chính phủ Trung Quốc sẽ không có sự thâm thủng lớn.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng Bộ Tài chính Trung Quốc dự kiến nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách 2019 lên 2,8% GDP, so với mục tiêu thâm hụt 2,6% GDP trong năm 2018. Kế hoạch này còn chờ sự thông qua của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3.

Tin cùng chuyên mục