Đội tàu chiến mạnh bậc nhất châu Á của hải quân Nhật Bản

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sở hữu nhiều tàu chiến hiện đại, cũng như khả năng tác chiến chuyên nghiệp hàng đầu châu Á.

Các tàu chiến trong biên chế JMSDF

Sở hữu hạm đội 114 chiến hạm gồm tàu khu trục đa năng, tàu ngầm tấn công diesel - điện, tàu đổ bộ cỡ lớn cùng 45.800 binh sĩ chuyên nghiệp, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) được coi là hải quân hàng đầu châu Á hiện nay, theo National Interest.

Trên danh nghĩa, JMSDF đóng vai trò là "lực lượng tự vệ" có trách nhiệm bảo vệ an ninh trên các vùng biển quanh lãnh thổ Nhật, chứ không phải hải quân thực sự. Tuy nhiên, xét về sức mạnh tàu chiến, không có lực lượng hải quân nào ở châu Á có thể đọ được với JMSDF, theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami.

Thành phần chính của JMSDF là hạm đội gồm 46 tàu khu trục và tàu hộ vệ, nhiều hơn cả Anh và Pháp cộng lại. Lực lượng này được chia thành nhiều hải đội hộ tống, có nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược, tái chiếm lãnh thổ và bảo đảm tự do hàng hải trên các tuyến đường biển.

Tàu chiến mặt nước mạnh hàng đầu của Nhật là 4 khu trục hạm lớp Kongo, gồm JS Kongo, JS Kirishima, JS Myoko và JS Chokai, được phát triển từ tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ.

Sức mạnh của những con tàu này nằm ở Hệ thống Chiến đấu Aegis, có khả năng bám bắt và tiêu diệt nhiều mối đe dọa trên không. Chúng cũng tạo thành lá chắn phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cho Nhật Bản, khi chỉ cần hai tàu lớp Kongo cũng có thể bảo vệ hầu hết lãnh thổ nước này.

Vũ khí của lớp Kongo chủ yếu phục vụ mục đích phòng thủ, với 90 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) Mark 41 nằm ở phần boong tàu trước và sau. Chúng có thể mang tên lửa phòng không SM-2MR và phiên bản đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IB. Loại tên lửa này sẽ sớm được thay thế bằng mẫu Block IIA mới hơn. Bên cạnh đó là pháo chính cỡ nòng 127 mm, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi và hai hệ thống pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx.

Dựa trên nền tảng Kongo, Nhật Bản tiếp tục phát triển và đóng mới hai tàu khu trục lớp Atago. Loại tàu chiến này có kích thước lớn hơn, đủ sức thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn lớp Kongo, bao gồm cả chức năng trung tâm chỉ huy trên biển. Atago là lớp tàu chiến mặt nước đầu tiên của Nhật vượt qua mức giãn nước 10.000 tấn kể từ sau Thế chiến II.

Tàu khu trục lớp Atago của Nhật Bản

JSMDF còn sở hữu lớp tàu đổ bộ Izumo khổng lồ, gồm hai tàu là JS Izumo và JS Kaga. Mỗi tàu có lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn, dài hơn 244 m, trở thành các tàu mặt nước lớn nhất của Tokyo từ sau Thế chiến II.

Nhật Bản gọi lớp Izumo là tàu khu trục chở trực thăng, nhưng Trung Quốc cho rằng đây là một tàu sân bay đúng nghĩa. Izumo không thể mang theo tiêm kích cánh bằng, nhưng có thể chứa tới 28 trực thăng các loại. Imuzo được coi là lớp tàu chiến đa năng, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tác chiến chống ngầm, dò thủy lôi và vận chuyển lực lượng đổ bộ.

Tàu ngầm là một thành phần quan trọng của JMSDF. Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch sở hữu hạm đội 22 tàu ngầm lớp Oyashio và lớp Soryu để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc.

Với lượng giãn nước 4.100 tấn khi lặn, Soryu là loại tàu ngầm lớn nhất của Nhật từ sau Thế chiến II. Các tàu ngầm này đều được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), giúp tàu vận hành một cách yên tĩnh trong suốt hai tuần mà không cần nổi lên mặt nước. Lớp Soryu đạt tốc độ tối đa 24 km/h trên mặt nước và 37 km/h khi lặn.

Tàu ngầm Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm với 30 ngư lôi hạng nặng Type 89 và tên lửa chống hạm UGM-84. Tàu ngầm cũng có thể rải thủy lôi để phỏng tỏa các eo biển quanh Nhật Bản, ngăn đối phương triển khai lực lượng đổ bộ.

Nhật Bản còn có ba tàu đổ bộ lớp Osumi có kích thước tương đương tàu sân bay cỡ nhỏ, nhưng không được trang bị thang nâng và nhà chứa máy bay. Nhiệm vụ của chúng là di chuyển xe tăng, thiết giáp và binh sĩ giữa các đảo chính của Nhật, giúp cung cấp lực lượng tiếp viện nhanh chóng theo yêu cầu.

Lớp Osumi có thể chở 1.400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Type 10 hoặc Type 90 và 1.000 lính. Được trang bị sàn đáp và tàu đổ bộ đệm khí (LCAC), tàu đổ bộ Osumi có thể nhanh chóng triển khai khí tài hạng nặng vào bờ. Khả năng này đặc biệt hữu dụng trong chiến lược quốc phòng mới của Nhật, đòi hỏi lực lượng đổ bộ có khả năng chiếm lại những hòn đảo bị kẻ địch kiểm soát.

Đội tàu chiến mạnh bậc nhất châu Á của hải quân Nhật Bản ảnh 1

Tàu đổ bộ JS Ise dẫn đầu các tàu khu trục của JMSDF. Ảnh:Pinterest.

Hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong chỉ huy tác chiến cũng góp phần củng cố vị thế của hải quân Nhật Bản ở châu Á, được thể hiện rõ nét trong thảm họa động đất ngày 11/3/2011.

Ngay khi trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi bắc Nhật Bản, phó đô đốc Hiromi Takashima, tư lệnh vùng hải quân Yokosuka lập tức đảm nhận vị trí chỉ huy tạm thời toàn lực lượng JMSDF, lệnh cho toàn bộ các tàu ở phía bắc cơ động tới vùng động đất.

Chiếc tàu chiến đầu tiên xuất phát chỉ 45 phút sau khi trận động đất diễn ra. 17 tàu khác chở đồ cứu trợ khởi hành trong vòng 18 giờ, với một số tàu chỉ có một phần thủy thủ đoàn. Sự có mặt kịp thời của đội tàu chiến này đã giúp Nhật Bản khắc phục đáng kể hậu quả của trận động đất kinh hoàng.

"Ngoài sở hữu số lượng lớn vũ khí hiện đại, khả năng nhanh chóng triển khai đội tàu mà không cần chuẩn bị trước được coi là một trong những điểm mạnh giúp Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thể hiện được sức mạnh vượt trội của mình ở châu Á", Mizokami kết luận.

Tin cùng chuyên mục