Đội vốn giải phóng mặt bằng, giải pháp nào khắc chế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua có khá nhiều dự án trọng điểm quốc gia để xảy ra tình trạng đội vốn, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, cạn kinh phí liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB). Tình trạng này đặt ra vấn đề khâu chuẩn bị dự án, nghiên cứu khả thi cùng các phương pháp thu thập thông tin đầu vào dự án đang tồn tại nhiều bất cập.
Vốn cho Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tăng hơn 8.000 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Vốn cho Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tăng hơn 8.000 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vốn cho Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ 22.856 tỷ đồng (Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tháng 11/2018) tăng lên 31.223,9 tỷ đồng (năm 2022). Mức tăng này khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) bày tỏ quan ngại và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ việc điều chỉnh chi phí GPMB có làm tăng tổng mức đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành hay không.

Liên quan tới đề nghị tăng chi phí bồi thường, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trước đây, Bộ KH&ĐT từng nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xác định lại số hộ dân nằm trong diện GPMB Dự án, có nhu cầu tái định cư. Đây là dữ liệu đầu vào cơ bản, quan trọng để xác định chính xác chi phí cho các công việc liên quan đến GPMB. Thực tế, số liệu khảo sát đầu tư Dự án liên tục có thay đổi, điều chỉnh. Theo báo cáo ban đầu, tỉnh Đồng Nai cho biết, chỉ có 3.789 hộ có nguyện vọng tái định cư. Tuy nhiên, sau đó, tư vấn lập Dự án cho biết đã tăng lên 4.864 hộ. Cuối cùng, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, có tới 5.196 hộ có nhu cầu tái định cư.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ KH&ĐT cho rằng, địa phương cần có giải trình thuyết phục vì sao chậm phê duyệt các phương án bồi thường và “cần xác định chính xác tổng vốn đầu tư Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, bổ sung đầy đủ thuyết minh tăng, giảm chi phí GPMB, tái định cư Dự án”.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2, theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tổng mức đầu tư Dự án là hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.426 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó. Trong cơ cấu chi phí các hạng mục được đề nghị điều chỉnh, riêng chi phí GPMB tăng hơn 1.900 tỷ đồng, số hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án phía tỉnh Tiền Giang tăng 150 hộ so với ban đầu.

UBND tỉnh Bến Tre cho biết, do kinh phí GPMB giao cho các địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế nên tiến độ GPMB cũng như bố trí tái định cư của các địa phương gặp nhiều khó khăn, chậm trễ.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc tăng mức đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, Dự án thành phần 1 tăng hơn 1.195 tỷ đồng, Dự án thành phần 2 tăng gần 1.490 tỷ đồng, Dự án thành phần 3 tăng hơn 989 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn tăng thêm là 3.670 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của dự án này lên tới gần 21.500 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân chính khiến Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bị đội vốn liên quan đến chi phí GPMB. Cụ thể, báo cáo của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, chi phí GPMB tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với mức đã được phê duyệt. Nguyên nhân là địa phương phê duyệt đơn giá đền bù chậm, chi phí bồi thường tăng lên.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cũng bị câu chuyện đội chi phí GPMB gây hệ lụy. Tại Dự án thành phần 1 dài 16 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp (tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng), chi phí GPMB ở giai đoạn nghiên cứu khả thi tăng 165 tỷ đồng so với giai đoạn tiền khả thi. Tại Dự án thành phần 2 dài 11,4 km qua tỉnh Đồng Tháp (3,8 km) và Tiền Giang (7,6 km) với tổng mức đầu tư 2.246 tỷ đồng, chi phí GPMB bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ 398 tỷ đồng, sang bước nghiên cứu khả thi đã đội lên 1.255 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tăng thêm 1.572 tỷ đồng, lên 3.818 tỷ đồng.

Theo một số địa phương, các dữ liệu để chuẩn bị dự án phát sinh bất cập ở mỗi khâu thực hiện. “Tại bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dữ liệu chỉ căn cứ trên các bản đồ. Đến bước nghiên cứu khả thi, các khối lượng sẽ được định lượng theo từng hồ sơ khảo sát, thiết kế, báo cáo số liệu về cơ cấu đất, tài sản trên đất. Bên cạnh đó, từ bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến nghiên cứu khả thi có thể kéo dài, bị điều chỉnh bởi những quy định mới ban hành. Do đó, số liệu sẽ có sự khác biệt, thay đổi lớn”.

Trong khi đó, một số đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho biết, do kinh phí chưa thực sự tương xứng với khối lượng công việc mà doanh nghiệp thực hiện nên chất lượng nhiều báo cáo chưa được bảo đảm. Đặc biệt, khâu quản lý, quy hoạch, đo kiểm, xác định ranh của nhiều địa phương khi triển khai dự án khá lỏng lẻo. Tình trạng đất không giấy tờ, đất khó xác định chủ sở hữu… rất phổ biến dẫn tới khó khăn để thống kê chính xác, đầy đủ, gây nhiều bất lợi cho công tác GPMB.

Đối với các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, sự chậm trễ trong GPMB đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân. Theo đó, tỉnh Đồng Nai để kéo dài tình trạng không lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá đất, xác định khung giá bồi thường… tại nhiều dự án dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu Tỉnh quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung nhân sự tập trung đẩy nhanh công tác GPMB các dự án trọng điểm.

Tin cùng chuyên mục