Đồng bằng sông Hồng: Tối ưu hóa lợi thế bắt đầu từ quy hoạch

(BĐT) - Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) với tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có nhiều lợi thế nổi trội để phát triển kinh tế. 
Đồng bằng sông Hồng hội tụ nhiều lợi thế, thuận lợi trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên
Đồng bằng sông Hồng hội tụ nhiều lợi thế, thuận lợi trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, qua nửa đầu năm 2019, có thể thấy nhiều thách thức đang nổi lên với vùng kinh tế này, đòi hỏi sự nỗ lực cao để có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019, từ đó đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, phát huy vai trò là một trong hai đầu tầu kinh tế của cả nước.

Mối lo từ sự phụ thuộc vào khu vực FDI

Những thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của các tỉnh vùng ĐBSH tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  (KTXH) năm 2020 vùng ĐBSH diễn ra cuối tuần qua cho thấy bức tranh khá nhiều mảng màu, trong đó có những điểm nhấn đáng lưu ý. Theo báo cáo của các địa phương, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng 6 tháng đạt 7,59%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (6,76%). Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng 6 tháng cao hơn cả dự kiến năm 2019 như: Hải Phòng tăng 16,3%, Quảng Ninh tăng 12,09%, Vĩnh Phúc tăng 8,52%. Thế nhưng riêng tỉnh Bắc Ninh 6 tháng tăng trưởng âm (-4,29%).

Từ những số liệu của địa phương, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) do ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT trình bày tại Hội nghị chỉ ra, mặc dù đạt kế hoạch nhưng tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,5%). Nội tại nền kinh tế của một số tỉnh, thành phố vẫn còn một số khó khăn trong năm 2019. TP. Hà Nội không đạt kế hoạch chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, bị hụt thu khoảng 5.858 tỷ đồng do tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi của một số tập đoàn, tổng công ty và các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn, dẫn đến số thu nộp ngân sách nhà nước thấp hơn dự toán.

Tỉnh Bắc Ninh dự kiến không đạt một số chỉ tiêu quan trọng do kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sự phụ thuộc này đã tác động rõ ràng đến kinh tế Bắc Ninh khi xu hướng tăng trưởng tiêu dùng sản phẩm điện thoại và linh kiện điện tử của thị trường thế giới giảm; một số doanh nghiệp FDI quy mô lớn cắt giảm hơn 20 nghìn lao động và lực lượng chuyên gia nước ngoài về nước sau khi đã hoàn thành việc lắp đặt, vận hành dây chuyền, thiết bị, công nghệ sản xuất... làm cho mức tiêu dùng nhiều loại hàng hóa và dịch vụ chững lại.

Ông Trần Duy Đông cũng cho biết, thu ngân sách nhà nước của 10/11 địa phương dự kiến vượt kế hoạch đề ra nhưng chưa chắc chắn do nhiều địa phương còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp (DN) FDI và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế đối với sản phẩm ô tô khi hội nhập như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương. 65% số vốn FDI của vùng đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực, ngành tận dụng nhân công giá rẻ như: dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản, nên việc lôi kéo các DN trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. 

Liên kết xây dựng định hướng phát triển chiến lược

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, ĐBSH là vùng hội tụ nhiều lợi thế nhất, thuận lợi nhất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Về kết cấu hạ tầng, ĐBSH là vùng có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất của cả nước, tạo động lực để liên kết, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của vùng. Về nguồn nhân lực, đây là trung tâm hàng đầu về cung ứng nguồn nhân lực, không chỉ nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường đại học mà còn cả nguồn nhân lực lao động phổ thông. Và đặc biệt, về thể chế, với lợi thế là vùng có Thủ đô Hà Nội, trung tâm về chính trị của cả nước, ĐBSH có nhiều thuận lợi trong việc thí điểm những cơ chế, chính sách mới cũng như đề xuất với Chính phủ, Quốc hội.

Với những lợi thế nổi trội, việc làm thế nào để tận dụng, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức là vấn đề quan trọng trong xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 của các địa phương trong vùng. Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT lưu ý, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020. Việc xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 phải vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời phải hướng tới mục tiêu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020, nhất là việc đặt mục tiêu của năm 2020.

Theo Bộ KH&ĐT, để vùng ĐBSH tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, các địa phương trong vùng cần liên kết, phối hợp trong việc xây dựng định hướng phát triển chiến lược rõ ràng, mà điểm bắt đầu là quy hoạch của các địa phương trong vùng theo quy định của Luật Quy hoạch, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch không gian gắn với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể, gắn với ưu tiên về chính sách đầu tư.

Lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị đánh giá cao việc Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KTXH theo vùng. Bởi với những lợi thế rõ ràng, nếu các tỉnh vùng ĐBSH không xây dựng kế hoạch phát triển của địa phương mình trong bối cảnh vùng có thể dẫn đến mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau, không tối ưu hóa được lợi thế của từng địa phương.