Đồng Tháp làm gì để gỡ vướng cho dự án giao thông?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên cạnh Dự án thành phần (DATP) 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu chuẩn bị khởi công vào tháng 6 tới, năm 2023, tỉnh Đồng Tháp thực hiện 11 dự án giao thông lớn với tổng kế hoạch vốn được giao hơn 721 tỷ đồng. Do nhiều vướng mắc, các dự án này mới giải ngân 142,9 tỷ đồng, tương ứng gần 20% kế hoạch. Địa phương này đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công vào cuối năm 2023.
Trên công trường Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Ảnh: Ngọc Tuấn
Trên công trường Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban Giao thông) tỉnh Đồng Tháp, tới nay công tác chuẩn bị đầu tư DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng) diễn ra thuận lợi, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và thi công xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đảm bảo tiến độ. Đồng Tháp đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 511 trên tổng số 533 hộ dân phải giải tỏa, đạt 95,9% với giá trị chi trả hơn 478,3 tỷ đồng. Năm 2023, DATP 1 được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công 745 tỷ đồng, hiện giải ngân được 538,6 tỷ đồng, đạt 72,3%. Dự án này sẽ được khởi công trong tháng 6/2023 theo đúng kế hoạch.

Ông Hồ Vĩnh Quan, Giám đốc Ban Giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện tại, Ban được giao làm chủ đầu tư 11 dự án, trong đó 7 dự án trong giai đoạn thi công chuyển tiếp, 1 dự án khởi công mới và quản lý 1 dự án (Nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự). Tiến độ thi công các dự án có tiến triển tích cực, giải ngân bắt đầu tăng tốc và khả quan hơn những tháng trước. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư các dự án giao thông tại Đồng Tháp vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Theo ông Quan, hai vướng mắc lớn nhất là GPMB và thiếu cát đắp nền. GPMB vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án giao thông. Hầu hết các dự án phải gia hạn thi công do GPMB chậm, kéo dài. Ở một số dự án vướng GPMB nhiều năm như Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2, nhà thầu không có mặt bằng thi công. Hệ quả là gói thầu xây lắp thuộc dự án này phải gia hạn lần 2 đến ngày 30/6/2023. Các dự án khác cũng vướng GPMB như: Dự án Nâng cấp hệ cầu trên Đường tỉnh 844 đoạn Tam Nông - Trường Xuân (GPMB gần 2 năm vẫn vướng 5 hộ dân); Dự án Đường tỉnh 845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước (GPMB gần 2 năm vẫn chưa hoàn tất); Dự án Nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 855 đoạn thị trấn Tràm Chim - Hòa Bình (GPMB sau 1 năm vẫn ở bước kiểm đếm, chưa trình thẩm định giá đất để lập phương án, chưa thực hiện thủ tục di dời hệ thống điện trung, hạ thế)…

Về vấn đề thiếu cát đắp nền, Ban Giao thông tỉnh Đồng Tháp đánh giá đây là một thách thức lớn. Tính từ năm 2021 đến nay, nhiều dự án cao tốc, công trình trọng điểm ở miền Tây đồng loạt thi công, lượng cát đắp nền thiếu hụt hàng chục triệu m3 khiến loại vật liệu này ngày càng khan hiếm và tăng giá. Tình trạng này khiến nhà thầu thi công gặp khó khăn, nhiều gói thầu phải tạm dừng thi công chờ cát làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Điển hình như Gói thầu Xây lắp số 9 thuộc Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự do Liên danh Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành thi công với thời gian thực hiện hợp đồng 480 ngày. Ông Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng công trình cho biết: Gói thầu số 9 triển khai thi công được 7 tháng, khối lượng đạt khoảng 49% so với hợp đồng. Khó khăn lớn nhất là thiếu gần 60 nghìn m3 cát đắp nền đường. “Dù thời tiết đang thuận lợi nhưng nhà thầu không thể đẩy nhanh tiến độ thi công vì không thể mua cát san lấp. Nếu cát tiếp tục khan hiếm thêm 2 tháng nữa thì sẽ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành Gói thầu và khó tránh khỏi việc điều chỉnh gia hạn hợp đồng”, ông Hạnh nói.

Mục tiêu Đồng Tháp đặt ra là giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công các công trình giao thông vào cuối 2023. Theo ông Hồ Vĩnh Quan, để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp được Ban Giao thông tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện. Đối với hai vướng mắc lớn nhất, Ban chủ động phối hợp với đơn vị hữu trách về GPMB đôn đốc và tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền; đề xuất ưu tiên giải quyết trước các điểm đột phá, điều chỉnh phạm vi GPMB phù hợp với hiện trạng để thuận lợi cho công tác thi công. Ban phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để đăng ký nhu cầu cát xây dựng cho dự án, đồng thời kiểm tra chặt khối lượng cát cung cấp, bảo đảm khai thác hết khối lượng đăng ký theo kế hoạch; kiến nghị Tỉnh tiếp tục ưu tiên giải quyết nguồn cung cho các công trình giao thông trọng điểm.

“Chúng tôi cũng tham mưu UBND Tỉnh điều chuyển khối lượng cát từ gói thầu vướng GPMB, tiến độ thi công chậm sang gói thầu thi công thuận lợi hơn trong cùng một dự án nhằm khai thác hết kế hoạch cung ứng cát đã đăng ký với từng dự án”, ông Quan nói.

Ngoài ra, ông Quan bày tỏ lo ngại tình trạng nhà thầu suy giảm năng lực tài chính trong quá trình thi công đối với hợp đồng kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Do đó, đối với nhà thầu thi công chậm tiến độ, ngoài việc phải có giải pháp khắc phục để bù lại tiến độ, nhà thầu có thể bị điều chuyển khối lượng, thậm chí cắt hợp đồng nếu thi công bê trễ.

Tin cùng chuyên mục