Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ sáng 16/4, ông Tim Cook, Giám đốc điều hành hãng Apple của Hoa Kỳ khẳng định, Apple coi trọng sự tham gia của các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam vào các sản phẩm của Apple cho khắp toàn cầu. Ảnh: Quý Bắc |
Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong khu vực đang “trải thảm đỏ” với những chính sách hấp dẫn, đòi hỏi Việt Nam cấp bách có chính sách đột phá nhằm đủ sức cạnh tranh.
Lợi thế và cơ hội lớn
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ sáng 16/4, ông Tim Cook, Giám đốc điều hành hãng Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam tính từ năm 2019 trở lại đây (trên 16 tỷ USD) - khẳng định, Apple coi trọng sự tham gia của các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam vào các sản phẩm của Apple cho khắp toàn cầu. Ông Tim Cook cho biết, các hoạt động của Apple đã tạo hơn 200 nghìn việc làm tại Việt Nam và hãng cũng đã chi khoảng 400 nghìn tỷ đồng cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam từ năm 2019 tới nay. Đồng thời, Giám đốc Apple chia sẻ kỳ vọng vào những việc mà hai bên có thể cùng làm để đạt những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai.
Trước đó, tháng 3/2024, đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) do Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam làm Trưởng đoàn đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư. Thông tin tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Ted Osius cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ấn tượng với việc Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam cuối năm 2023; đánh giá Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trung tâm sản xuất lớn, là một thành tố rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang hào hứng khám phá những cơ hội hợp tác mới. Nhiều doanh nghiệp cũng thông báo những dự án đầu tư mới như Pepsi sẽ đầu tư 2 nhà máy mới hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo gồm nhà máy sản xuất thực phẩm tại Hà Nam (trị giá 90 triệu USD) và nhà máy sản xuất đồ uống tại Long An (hơn 300 triệu USD).
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đều chung nhận định, trước những thách thức toàn cầu chưa từng ghi nhận trước đây, Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng vượt trội, nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau năm 2022. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục nhờ nền kinh tế năng động và linh hoạt, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ở nhiều quốc gia khác còn chậm.
Theo ông Nitin Kapoor - đồng Chủ tịch VBF, khảo sát từ 655 lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của VBF cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì được sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài, đứng trong TOP 3 điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư, phần lớn doanh nghiệp cho biết tin tưởng và cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC Ted Osius đánh giá cao các chính sách của Việt Nam để chào đón nhà đầu tư nước ngoài |
Cuộc đua thu hút đầu tư
Trước xu thế mới, không chỉ Việt Nam có cơ hội. Bên cạnh lợi thế, Việt Nam có một số điểm hạn chế mà không khắc phục ngay có thể làm lỡ cơ hội. Một trong những điểm được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là biện pháp bổ sung của Việt Nam khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Việc một số tập đoàn lớn quyết định đầu tư vào một số nước trong khu vực gần đây cho thấy cuộc đua đang rất gay gắt. Ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực tăng tốc thu hút dòng vốn đổ vào các ngành có giá trị cao và thiết kế chính sách riêng để bắt kịp xu thế. Theo đó, các quốc gia đang áp dụng song song cả ưu đãi về thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về chi phí (hỗ trợ bằng tiền, trợ cấp đầu tư). Trong đó, ưu đãi dựa trên chi phí thường được sử dụng để góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Thực tế cho thấy, với chính sách linh hoạt, kết hợp cả ưu đãi theo thu nhập và ưu đãi về chi phí, nhiều nước đã thu hút được các dự án có quy mô rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thái Lan đã chấp thuận phân bổ 50 - 70% số tiền thu thuế bổ sung vào “Quỹ nâng cao năng lực” để hỗ trợ doanh nghiệp. Các khoản hỗ trợ dự kiến bằng tiền hoặc tương đương tiền theo các điều kiện cụ thể, dự kiến công bố các biện pháp này vào cuối năm 2024 và có hiệu lực vào năm 2025.
Chính phủ Singapore đã công bố ngân sách năm 2024, trong đó đề cập đến các định hướng chính sách hỗ trợ đầu tư đối ứng với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Singapore sẽ ban hành chính sách Refundable Investment Credit hỗ trợ tới 50% chi phí đủ điều kiện trong các lĩnh vực cốt lõi, các khoản đầu tư mới, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và duy trì nền kinh tế cạnh tranh. Indonesia cũng đang có những chính sách “trải thảm đỏ” đối với nhà đầu tư công nghệ lớn.
Tại Việt Nam, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2023 có sự tăng trưởng nhưng các dự án mới có quy mô lớn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi tại Việt Nam có xu hướng chững lại. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhiều xu hướng đầu tư mới, cạnh tranh thu hút đầu tư diễn ra quyết liệt, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút dự án trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi...
Theo Dự thảo Đề cương Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ phải đáp ứng các tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu |
Cần chính sách ưu đãi đột phá
Theo nhiều chuyên gia, để thu hút các nhà đầu tư mới, cần chính sách ưu đãi đột phá cùng với nguồn ngân sách để thực hiện. Trong đó, tận dụng cơ hội nguồn thu bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu để làm nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư với các chính sách tiên tiến, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhằm thu hút các dự án về Việt Nam. Việc ban hành chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh mới là hết sức cấp bách để không gây xáo trộn quá lớn đối với môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư mở rộng và thu hút đầu tư mới tại Việt Nam. Chính sách này cần sớm ban hành để có hiệu lực áp dụng trong năm tài chính 2024.
Bộ KH&ĐT đang gấp rút xây dựng Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Dự thảo Đề cương Nghị định mới đây đã được Bộ công bố lấy ý kiến.
Theo Dự thảo, về đối tượng, xem xét hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển, doanh nghiệp có dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm và doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt, tiên phong.
Các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu. Cụ thể, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao với doanh thu của dự án từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc quy mô vốn đầu tư của dự án từ 12.000 tỷ đồng; doanh nghiệp công nghệ cao đạt doanh thu từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc có dự án đầu tư với quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao với doanh thu của dự án từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc quy mô vốn đầu tư của dự án từ 12.000 tỷ đồng; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng.
Hình thức hỗ trợ một phần các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp bao gồm hỗ trợ chi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội. Phương thức hỗ trợ là chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp được hỗ trợ. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến ngân sách, mức hỗ trợ chỉ quy định mức tối đa, tùy theo tình hình ngân sách từng năm mà mức hỗ trợ nhận được có thể bằng hoặc thấp hơn mức tối đa.
Theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh việc “giữ chân”, thu hút nhà ĐTNN, chính sách tại Nghị định cũng nhằm duy trì, thúc đẩy, tạo động lực cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nội địa chiến lược, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp dân tộc có vai trò dẫn dắt các lĩnh vực, ngành mũi nhọn. Đây là những doanh nghiệp có sứ mệnh mang dấu ấn Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố vị thế kinh tế của Việt Nam trên toàn thế giới. Do đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho những đối tượng này là cần thiết để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tại một hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Dự thảo Nghị định được xây dựng không nhằm thực hiện việc bồi hoàn cho các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách không có sự phân biệt đối xử, bất kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước, doanh nghiệp đang hoạt động hay đầu tư mới, nếu đáp ứng được tiêu chí đặt ra thì đều được hỗ trợ. Sẽ không có chuyện xin - cho. Tất cả sẽ được quy định minh bạch, rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); quy trình, thủ tục cũng sẽ được xây dựng theo hướng tạo thuận tiện cho nhà đầu tư và cả cơ quan nhà nước.
Dự kiến tiến độ Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định trong tháng 5/2024; Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung tại Nghị định vào tháng 5/2024 và trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định vào tháng 6/2024.
Bên cạnh xây dựng chính sách ưu đãi mới, Chính phủ Việt Nam đang không ngừng đẩy mạnh củng cố lợi thế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với những chiến lược bài bản và nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng.