Đột phá để khơi thông sức mạnh nhân lực

(BĐT) - Nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển, các quốc gia giàu mạnh bứt phá là nhờ tận dụng tốt nguồn nhân lực, từ dấu ấn cá nhân đến sức mạnh trí tuệ tập thể, ví dụ như Singapore. 
Đào tạo đại học và đào tạo nghề cần bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng nhận thức và sáng tạo
Đào tạo đại học và đào tạo nghề cần bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng nhận thức và sáng tạo

Việt Nam chúng ta tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý khá thuận lợi, tuy nhiên, để thịnh vượng, con người vẫn là động lực chính. Càng chậm phát huy sức mạnh yếu tố nhân lực bao nhiêu, càng làm chậm trễ tiến trình phát triển bấy nhiêu, đặc biệt trong thời kỳ của công nghệ, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Đột phá từ “cái đầu”

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một trong ba đột phá chiến lược.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện đột phá về nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ đến nay còn chưa tương xứng so với 2 đột phá chiến lược còn lại. Đổi mới giáo dục vẫn còn chưa căn bản và toàn diện, học chưa đi đôi với hành, thiếu kỹ năng, sáng tạo, tổng số sinh viên ra trường hàng năm đều tăng song chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về mặt chất lượng. Người tài vẫn cứ muốn ra đi, sinh viên đi du học không quay về nước làm việc, cơ quan nhà nước không giữ được cán bộ giỏi…

Vấn đề này không còn mới, tuy nhiên cần có những giải pháp đột phá để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn cho phát triển nguồn nhân lực vốn đang có kết quả rất hạn chế sau gần hết thời gian thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020.

Đầu tiên, quan trọng nhất là đột phá từ “cái đầu”!

“Cái đầu” ở đây có thể hiểu là vấn đề tư duy. Chúng ta nói nhiều là trọng dụng nhân tài nhưng thực sự lại chưa làm được nhiều. Chúng ta có thực sự tin dùng hay không? Đã tạo điều kiện làm việc và có chế độ đãi ngộ phù hợp chưa? Tháo cởi những cơ chế gây vướng mắc trong tuyển dụng, bổ nhiệm chưa? Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thực tế người tài vẫn chưa có môi trường để thoải mái phát huy sức sáng tạo, ý tưởng tư duy mới; trong lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, cán bộ giỏi vẫn phải e ngại, nói phải “nhìn trước, nhìn sau”, các ý kiến phản biện thẳng thắn không được tiếp nhận.

Vì thế, thay đổi tư duy quản lý, chấn chỉnh bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính, sàng lọc nhân sự, đánh giá theo tiêu chí hiệu quả công việc, làm tốt được chọn, không tốt sẽ bị đào thải là những vấn đề cấp thiết cần phải được thực hiện. Có vậy mới khuyến khích thu hút được người tài, cán bộ có năng lực. 

Quan trọng hơn, “cái đầu” hiểu một cách trực diện là tư duy của người lãnh đạo. Người đứng đầu cần truyền động lực, hoạch định ra phương hướng, tạo ra thể chế, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát cho tốt thì mọi việc sẽ đạt kết quả tốt. Người đứng đầu cần có 2 đặc điểm phẩm chất quan trọng. Thứ nhất là phải có “tâm” trong sáng, vì cái chung, thứ hai phải có “tài”, có năng lực. Đối với lãnh đạo cấp cao của đất nước còn cần phải có “tầm”.

Bên cạnh động lực áp đặt, từ cấp trên xuống, mỗi người lao động cần phải xây dựng cho mình động lực tự thân, mong muốn được làm việc, mong muốn được cống hiến. Tuy nhiên, muốn thôi thúc được động lực tự thân, người lao động lại cần phải được đánh giá đúng, được đãi ngộ xứng đáng. 

Và đột phá từ sức ép của CMCN 4.0

Giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp vẫn là then chốt để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo đại học và đào tạo nghề cần theo hướng thực chất hơn, bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng nhận thức và sáng tạo. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động để doanh nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời, chính các doanh nghiệp cũng cần học hỏi qua quá trình giao thương xuất nhập khẩu để hỗ trợ đào tạo gắn với tăng năng lực công nghệ.

Đặc biệt, bên cạnh những thách thức, chính CMCN 4.0 lại đang tạo ra thời cơ cho chúng ta “đi nhanh hơn”, tạo ra chân trời mới cho chúng ta đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng nghề nghiệp và năng lực đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra sức ép mạnh mẽ đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tồn tại, để nắm bắt được cơ hội, hoặc là sẽ bị đào thải, bị thay thế bởi công nghệ.

CMCN 4.0 thực sự đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Cùng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, nhiều ngành nghề mới xuất hiện trong khi một số ngành khác lại mất đi, tương ứng là sự thay đổi của cơ cấu nhu cầu nhân lực. Bên cạnh đó, rất nhiều kỹ năng trong từng ngành nghề có sự chuyển đổi. Tác động của CMCN 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên.

Ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 theo dự báo trong trung hạn sẽ dẫn đến tình trạng giảm sút nhu cầu nhân lực trong các ngành sử dụng lao động giản đơn. Đồng thời, tăng nhu cầu nhân lực đối với các ngành đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng cao, đặc biệt trong các ngành về công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, công nghệ mới, chăm sóc con người, nghệ thuật… Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống giáo dục đào tạo phải thích ứng để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp và năng lực thích ứng cao với biến đổi của khoa học công nghệ, hướng vào các ngành đòi hỏi tính sáng tạo cao và những ngành nhắm tới việc phục vụ trực tiếp con người.

CMCN 4.0 vì thế vừa là thách thức, vừa tạo ra lực đẩy mạnh mẽ đối với đổi mới giáo dục đào tạo, tạo đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục