Dự án Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến được đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh phối cảnh: Phú An |
Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế lập thủ tục giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án trên để kịp tiến độ xây dựng Cơ sở 2 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, theo đề xuất của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển y tế AMC (gọi tắt là AMC).
Năm 2017, AMC đã trình TP.HCM đề xuất thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa thực hành Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - AMC với quy mô 500 giường, theo phương thức PPP. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây được xem là dự án PPP lĩnh vực y tế có quy mô lớn nhất của TP.HCM đến thời điểm đó.
Được thành lập năm 2015, AMC đến nay vẫn là cái tên rất xa lạ đối với lĩnh vực y tế. Thời điểm công bố Dự án, nhà đầu tư này cho biết, Bệnh viện Đa khoa thực hành 500 giường là dự án PPP mẫu trong lĩnh vực y tế. Dự án được đánh giá là không có rủi ro cho nhà đầu tư liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng do khu đất triển khai được sử dụng từ Dự án San lấp mặt bằng xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Theo đề xuất của AMC, 100% vốn đầu tư Dự án sẽ được nhà đầu tư huy động. Giá dịch vụ theo quy định của Bộ Y tế áp dụng cho dịch vụ y tế công và giá dịch vụ tự nguyện. Dự kiến hợp đồng có thời gian 49 năm, lợi nhuận chia theo tỷ lệ góp vốn tương ứng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, từ năm 2018 trở lại đây, chưa có dự án PPP lĩnh vực y tế nào tại TP.HCM được triển khai. Thực tế, quá trình triển khai Dự án của AMC không nhận được sự đồng thuận của UBND TP.HCM.
Năm 2017, Báo Đấu thầu đã có bài viết nêu quan ngại về tính khả thi của Dự án khi tuổi đời của AMC còn quá trẻ, gần như chưa có tên tuổi trong lĩnh vực đầu tư dự án y tế. Kể từ thời điểm đó đến nay, Công ty AMC đã “mất hút” khỏi quá trình triển khai các dự án của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Để tìm lối đi cho dự án này, năm 2019, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chỉ định đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT) lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực - Bệnh viện trong ngày theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Theo đơn vị tư vấn, dự án PPP này khả thi và nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng, Nhà trường phụ trách chuyên môn, đào tạo.
Theo kế hoạch, cuối năm 2019 tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và công bố kết quả vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán vẫn chưa được phê duyệt. Dự án vẫn chưa thể triển khai.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, với thực trạng cơ sở vật chất của lĩnh vực y tế tại TP.HCM, phương thức PPP là lối đi phù hợp, mang lại nhiều lợi ích và giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước. Hiện Thành phố đang kêu gọi đầu tư vào ngành y tế với 14 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đến nay, dự án PPP y tế quy mô lớn nhất và duy nhất của TP.HCM là Bệnh viện Gia An 115, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng do Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, sắp tới, TP.HCM sẽ chủ động đề xuất, đưa các dự án ra đấu thầu công khai, kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, cần ưu tiên chứ không để nhà đầu tư tự đề xuất, tránh tình trạng chỉ có đơn vị đề xuất tham gia, khi không đủ tiềm lực tài chính dễ dẫn tới rủi ro cho dự án.