Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM: Chốt thời điểm gỡ loạt bế tắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đang được vạch rõ lộ trình gỡ loạt vướng mắc. Nhà đầu tư kỳ vọng việc tháo gỡ các nút thắt được triển khai quyết liệt để đưa Dự án vào sử dụng trước ngày 31/12/2025.
Cần huy động khoảng 1.800 tỷ đồng để thi công hoàn thành Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Ảnh: Song Lê
Cần huy động khoảng 1.800 tỷ đồng để thi công hoàn thành Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Ảnh: Song Lê

Tại cuộc họp Tổ công tác Dự án mới đây, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan, đồng thời tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án. Cùng với đó, cần sớm đề xuất thành lập Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và lập kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố trước ngày 10/2/2025.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở KH&ĐT tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BT, đề xuất UBND Thành phố theo đúng quy định; rà soát, đề xuất đơn vị quản lý nguồn tiền ngân sách để thanh toán cho Dự án.

Đối với việc thanh toán bằng đất cho nhà đầu tư, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư. Đồng thời, thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá các khu đất, hoàn thành công tác thẩm định trước ngày 31/5/2025.

Về phía nhà đầu tư Dự án, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (thuộc Trung Nam Group) cho biết, đây là các tín hiệu tích cực để thúc tiến độ của Dự án sau hơn 8,5 năm kể từ khi khởi công (ngày 26/6/2016). Dự án đạt hơn 90% khối lượng vào tháng 11/2020, sau đó tạm ngưng do vướng mắc liên quan nguồn vốn, chờ UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP, trong đó nêu rõ nội dung phương thức thanh toán chưa phù hợp trong hợp đồng BT của Dự án. Các vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND TP.HCM và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Từ đó đến nay, mặc dù Nhà đầu tư đã nhiều lần báo cáo, cầu cứu các cấp, ngành, nhưng UBND TP.HCM chưa thực hiện các thủ tục điều chỉnh hợp đồng BT để hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ.

Trước đó, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án, TP.HCM cho biết cần 3 nhóm giải pháp liên quan đến khó khăn về xác định thẩm quyền, nguồn vốn và cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Cả 3 nhóm giải pháp được TP.HCM đề xuất cho thấy, Thành phố đã xác định phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, điều chỉnh hợp đồng và căn cứ theo hướng dẫn mà các bộ, ngành đã tham mưu.

Theo báo cáo của Nhà đầu tư, lũy kế giá trị giải ngân của Dự án đến nay đạt 8.276,052 tỷ đồng/9.976 tỷ đồng (trong đó, giải ngân từ nguồn vốn vay 7.094,547 tỷ và vốn tự có 1.181,505 tỷ đồng). Nhà đầu tư báo cáo nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành công trình là khoảng 1.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo của BIDV - đơn vị cấp tín dụng cho Dự án, Ngân hàng đã phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước với số tiền 3.560 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, do tổng mức đầu tư Dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện Dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để bảo đảm cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh Dự án. Thành phố đề xuất điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể Dự án. Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT thì Dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nêu trên, Thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho Nhà đầu tư để tiếp tục hoàn tất Dự án, đưa vào sử dụng.

Tin cùng chuyên mục