Dự án khu nhà ở và thương mại 4.750 tỷ tại Huế: Cuộc cạnh tranh giữa 2 nhà đầu tư thân quen

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả sơ tuyển Dự án cho thấy có 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ở giai đoạn tiếp theo có lẽ sẽ không quá gay gắt vì mối quan hệ gần gũi của 2 ứng cử viên này.
Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện sở hữu lượng cổ
phần tương tương 3,92% vốn điều lệ của Công ty CP Bamboo Capital. Ảnh: Hữu Thắng
Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện sở hữu lượng cổ phần tương tương 3,92% vốn điều lệ của Công ty CP Bamboo Capital. Ảnh: Hữu Thắng

Cuộc cạnh tranh giữa nhóm DOJI và Bamboo Capital

Dự án Khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, thuộc Khu A - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án được đầu tư trên khu đất với tổng diện tích 22,92 ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến là 4.750 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Việc đầu tư Dự án nhằm hình thành khu trung tâm thương mại, dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, tạo điểm nhấn về quy hoạch kiến trúc tại vị trí nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch đến Huế. Tiến độ thực hiện Dự án không quá 60 tháng, thời gian hoàn thành đầu tư hạ tầng không quá 30 tháng.

Kết quả sơ tuyển được công bố vào đầu tháng 7/2020 cho thấy, có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, gồm: Công ty CP Bamboo Capital và Liên danh Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI Land - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Blue Star (Liên danh DOJI - DOJI Land - Blue Star).

Theo tìm hiểu, DOJI Land là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn DOJI với tỷ lệ 100% vốn điều lệ. DOJI Land hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và đang được quản lý bởi cá nhân Đỗ Minh Đức - con trai doanh nhân Đỗ Minh Phú (ông chủ Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT TPBank).

Còn Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Blue Star được thành lập cuối năm 2017 do DOJI Land nắm giữ 55% vốn và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại - Dịch vụ 55 sở hữu 45% vốn điều lệ. Hiện Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và được ủy quyền quản lý cho ông Đỗ Minh Đức.

Như vậy có thể nói, Liên danh DOJI - DOJI Land - Blue Star cùng một nhóm liên quan tới Tập đoàn DOJI sẽ cạnh tranh với Bamboo Capital tại dự án trên.

Mối làm ăn giữa 2 đối thủ

Nhóm DOJI và Bamboo Capital có mối quan hệ thân thiết từ trước đến nay. DOJI từng là cổ đông lớn của Bamboo Capital khi sở hữu 10,8 triệu cổ phần Bamboo Capital, tương đương 10% vốn điều lệ. Tới cuối năm 2019 và đầu năm 2020, DOJI mới bán bớt 6,56 triệu cổ phần Bamboo Capital, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,92%.

Không chỉ có mối quan hệ sở hữu cổ phần, một mắt xích quan trọng kết nối DOJI và Bamboo Capital là TPBank cũng đồng hành tài trợ vốn cho Bamboo Capital tại nhiều dự án bất động sản và năng lượng.

Ngày 22/6/2020, Bamboo Capital và TPBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác nguyên tắc về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm. Theo đó, 8.000 tỷ đồng sẽ được tài trợ cho các dự án điện gió với tổng công suất 650 MW tại Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh; 2.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời 330 MW tại Bình Định và 1.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái của Bamboo Capital.

Một đơn vị thành viên của Bamboo Capital hoạt động trong mảng bất động sản là Công ty CP BCG Land cũng nhận được sự hỗ trợ từ Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (Tien Phong Securities) - doanh nghiệp do ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch TPBank giữ vị trí Chủ tịch - đứng ra thu xếp các đợt phát hành trái phiếu quy mô hàng trăm tỷ đồng.

Nếu nói về tiềm lực tài chính, nhóm DOJI với mắt xích quan trọng TPBank rõ ràng đang có lợi thế lớn trước Bamboo Capital. Nhưng với mối quan hệ có phần thân thiết nói trên thì có lẽ nhà đầu tư nào trượt tại dự án này cũng không cảm thấy quá hụt hẫng.

Tin cùng chuyên mục