Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước tại 5 tỉnh bị hạn: Bắt đầu chọn nhà thầu tư vấn

(BĐT) - Tại một hội thảo diễn ra ngày 6/12, tại Hà Nội, đại diện Ban Quản lý Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (WEIDAP/ADB8) cho biết, Dự án đang bắt đầu tuyển chọn tư vấn thiết kế chi tiết các tiểu dự án. 
Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán có tổng mức đầu tư là 124,26 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán có tổng mức đầu tư là 124,26 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên

Đây là cơ hội để các nhà thầu tư vấn tham gia thực hiện Dự án, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính bền vững các hệ thống tưới và năng suất sử dụng nước tưới cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng của hạn hán.

Hỗ trợ 5 tỉnh ứng phó với hạn hán

Dự án WEIDAP/ADB8 được Chính phủ ký kết các hợp đồng vay và viện trợ không hoàn lại với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 28/8/2018, có hiệu lực từ ngày 26/6/2019 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/6/2026. Theo ông Nguyễn Đức Miên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án WEIDAP/ADB8, tổng mức đầu tư của Dự án là 124,26 triệu USD, trong đó ADB cho vay 100 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 1,05 triệu USD và đối ứng của Chính phủ là 23,21 triệu USD với 8 tiểu dự án trên địa bàn 5 tỉnh (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông).

Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ nâng cao tính bền vững các hệ thống tưới và năng suất sử dụng nước tưới cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hạn hán năm 2014 - 2016 thông qua việc hiện đại hóa dịch vụ quản lý tưới, kỹ thuật tưới tại mặt ruộng và hiện đại hóa 8 hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Cơ quan chủ quản Dự án là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk đã giao chủ đầu tư quản lý thực hiện Dự án và thành lập các ban quản lý dự án. 

Cạnh tranh, công bằng trong lựa chọn nhà thầu

Để lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế chi tiết các tiểu dự án thực sự có năng lực, tại Hội thảo, bà Lương Thị Thanh Ngân, cán bộ đấu thầu của ADB giới thiệu quy trình lựa chọn tư vấn theo ngân sách cố định (FBS) của ADB để lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn.

Theo bà Ngân, các nhà thầu tư vấn tham gia lựa chọn nhà thầu gói thầu dùng vốn ADB có thể vào web của cơ quan này để được hướng dẫn để lập hồ sơ năng lực tham gia lựa chọn nhà thầu các gói thầu quan tâm thông qua hệ thống CMS. Về quy trình lựa chọn tư vấn FBS, chủ đầu tư sẽ đăng tải thông báo mời quan tâm để nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm. Trên cơ sở danh sách các nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, ADB sẽ lựa chọn danh sách ngắn, thường là 6 nhà thầu vào danh sách này. Tiếp đó, chủ đầu tư sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu trong danh sách ngắn để chuẩn bị hồ sơ dự thầu…

“Trong công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu dùng vốn ADB cũng như các gói thầu sử dụng vốn  của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi luôn muốn có sự cạnh tranh tối đa giữa các nhà thầu. Vì thế, ADB thường chọn 6 nhà thầu vào danh sách ngắn nhằm đảm bảo cạnh tranh để chọn được được nhà thầu trúng thầu thực sự có năng lực. Trường hợp danh sách ngắn không đủ số lượng này thì chúng tôi sẽ xem xét gia hạn mời thầu để có thêm sự cạnh tranh…”, bà Ngân nhấn mạnh.

Cho rằng việc đưa ra yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm của các công ty tư vấn để chọn danh sách ngắn là rất cần thiết để loại bỏ nhà thầu yếu ngay từ đầu, song tại Hội thảo, một số nhà thầu cho rằng vẫn còn có tiểu dự án đưa ra yêu cầu có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. “Đây là một trong số dự án hiếm hoi của ngành nông nghiệp thiết kế theo đường ống kín. Nếu một đơn vị tư vấn chuyên ngành cấp thoát nước, thiết kế hệ thống bơm rất quen nhưng chưa làm thủy lợi bao giờ nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra yêu cầu về năng lực thủy lợi thì hạn chế rất nhiều sự tham gia của tư vấn” một nhà thầu nêu ý kiến.

Tin cùng chuyên mục