Ảnh Internet |
Theo dự tính ban đầu, tháp Eximbank (tọa lạc tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM), có diện tích đất sử dụng 3.513,7 m2, quy mô gồm 5 tầng hầm, 40 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng là 69.045 m2. Mục tiêu của dự án này là xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc của Eximbank và căn hộ. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.538 tỷ đồng.
Ngày 18/12/2011, Eximbank đã ký hợp đồng với Công ty Nikken Sekkei để tư vấn thiết kế công trình. Những tưởng mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió, nhưng không hiểu sao đến ngày 23/6/2014 HĐQT Eximbank lại có Nghị quyết số 27 chấp thuận chủ trương cho thay đổi quy mô, chức năng của Dự án: bỏ chức năng căn hộ, chỉ còn chức năng văn phòng làm việc Eximbank, với 3 tầng hầm và 20 tầng cao.
Tiếp đó, ngày 10/7/2014, Eximbank gửi văn bản đến Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tiếp tục xin điều chỉnh chức năng và quy mô dự án tháp Eximbank. Chưa đầy một tháng sau, ngày 6/8/2014, Eximbank gửi thông báo đến các đơn vị tư vấn yêu cầu tạm dừng thực hiện Dự án. Và một lần nữa, ngày 8/9/2014, Eximbank lại gửi văn bản đến Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM xin hủy bỏ và rút lại văn bản ngày 10/7/2014 nói trên. Sau một thời gian, ngày 3/2/2015, HĐQT Eximbank có nghị quyết với nội dung tạm thời chưa triển khai dự án này và chờ HĐQT nhiệm kỳ VI xem xét, quyết định.
“Vướng” nhân sự, Eximbank bất ngờ hoãn ĐHĐCĐ
Thông báo từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã chứng khoán EIB) cho biết, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào 2/8/2016 sẽ được hoãn đến một thời điểm khác thuận lợi hơn. Thời gian cụ thể chưa được Ngân hàng thông báo.
Được biết, ngày 29/7/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT. Nhân sự bổ sung vào HĐQT là một trong những vấn đề “nóng” nhất tại ĐHĐCĐ của Eximbank trong những tháng vừa qua. Đó cũng là vấn đề gây tranh cãi và xung đột, biến Eximbank trở thành ngân hàng có những cuộc họp ồn ào nhất trong mùa ĐHĐCĐ thường niên 2016.
Như vậy, sau 2 lần tổ chức bất thành, cổ đông Eximbank tiếp tục phải chờ đợi để tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ lần 3.
Để tránh hụt hơi về tài chính, Eximbank dự định chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, Eximbank sở hữu một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà. Nếu phương án này không có đối tác nào quan tâm, Eximbank cũng sẽ chấp nhận các hình thức hợp tác đầu tư khác.
Được biết, HĐQT Eximbank hy vọng trong kỳ đại hội bất thường lần thứ 3, cổ đông sẽ chấp thuận chủ trương cho triển khai phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Nếu được thông qua, Eximbank sẽ thuê nhà tư vấn nước ngoài, có kinh nghiệm về đầu tư dự án bất động sản và am hiểu thị trường Việt Nam để tư vấn, lập phương án đầu tư. Tuy nhiên, với dự án này, các cổ đông đã quá mệt mỏi vì những hứa hẹn của Eximbank.
Tại ĐHĐCĐ bất thường lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 5/2016, các cổ đông của Eximbank đã không tiếc lời chỉ trích về dự án này. Nhiều cổ đông phẫn nộ: trong khi tòa nhà ở số 7 Lê Thị Hồng Gấm đang yên đang lành thì Eximbank lại phá bỏ. Mấy năm qua, dự án này hết thay đổi cái này đến điều chỉnh cái khác, cuối cùng thì vẫn “trùm mền”, trong khi số tiền mà Eximbank bỏ ra để thuê lại mặt bằng của Vincom Centrer ở quận 1, TP.HCM làm trụ sở là rất đắt đỏ.