Dự án Thu phí đường bộ không dừng giai đoạn 2: “Nút thắt” dần được tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 4/6/2020, Bộ Quốc phòng đã đồng ý cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), với tư cách là thành viên đứng đầu Liên danh nhà đầu tư trúng thầu, thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện Dự án Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo loại hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Đây là bước tiến mới trong việc tháo gỡ nút thắt gây “lụt” tiến độ dự án 1.228 tỷ đồng này.
Dự án Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Sau hơn 1 năm kể từ ngày được phê duyệt trúng thầu và 11 tháng từ ngày ký kết hợp đồng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án mới tháo gỡ được vướng mắc trong việc thành lập doanh nghiệp dự án do phát sinh tình huống trong đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi trúng thầu, do đặc thù Viettel là doanh nghiệp quốc phòng nên theo quy định, việc Viettel tham gia góp vốn đầu tư vào dự án này phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đây là tình huống phát sinh chưa có tiền lệ nên Dự án đã bị lùi tiến độ hoàn thành sang năm 2020.

Trung tuần tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép Viettel được góp vốn đầu tư vào Dự án.

Hơn nữa, cũng theo vị cán bộ này, trong quá trình xin ý kiến của các cơ quan chức năng về chủ trương và chuẩn bị các điều kiện pháp lý thành lập doanh nghiệp dự án, các thành viên trong Liên danh nhà đầu tư có sự thay đổi về cơ cấu đảm nhận công việc nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ đấu thầu của Liên danh nhà đầu tư.

Tại thời điểm trúng thầu (tháng 5/2019), Liên danh nhà đầu tư gồm 4 thành viên: Viettel (đảm nhận 49% khối lượng công việc), Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietinf (đảm nhận 12% khối lượng công việc), Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương (đảm nhận 37% khối lượng công việc), Công ty CP Công nghệ Tiên Phong - ITD (đảm nhận 2% khối lượng công việc). Tổng vốn đầu tư của Dự án (tại thời điểm ký hợp đồng tháng 7/2019) là 1.228 tỷ đồng (bao gồm cả dự phòng), tổng mức đầu tư được duyệt trước đó là 1.752 tỷ đồng.

Đến nay, Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương đã rút khỏi Liên danh, nhường lại 37% khối lượng công việc cho Viettel thực hiện. Liên danh nhà đầu tư hiện tại chỉ gồm 3 thành viên, trong đó Viettel đảm nhận 86% khối lượng công việc, Vietinf đảm nhận 12% khối lượng công việc và ITD đảm nhận 2% khối lượng công việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, có 2 nguyên nhân làm chậm tiến độ Dự án. Ngoài vướng mắc trong cơ chế thành lập doanh nghiệp dự án của Liên danh nhà đầu tư do Viettel đứng đầu, nguyên nhân thứ 2 là vướng mắc trong quy định về tỷ lệ trích lập doanh thu cho dịch vụ thu phí không dừng trên tổng doanh thu dự án BOT còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa có sự đồng thuận cao giữa nhà đầu tư hệ thống thu phí không dừng, nhà đầu tư BOT và ngân hàng tài trợ vốn.

Ông Huyện chia sẻ, hiện nay, các cơ quan chức năng đã sửa đổi quy định về trích lập doanh thu cho dịch vụ thu phí không dừng tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg để đảm bảo tính khả thi của việc đầu tư hệ thống thu phí không dừng. Dự kiến quyết định sửa đổi này sẽ được ban hành trong tháng 6/2020.

Khi 2 vướng mắc “mấu chốt” này được tháo gỡ, Dự án sẽ được Liên danh nhà đầu tư Viettel - Vietinf - ITD hoàn thành trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, ngày 4/6/2020, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan cùng Liên danh nhà đầu tư đã họp kiểm điểm tiến độ Dự án, bàn bạc các nguyên tắc cơ bản về cơ chế tổ chức, điều hành doanh nghiệp dự án để sớm triển khai thực hiện và hoàn thành Dự án đúng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục