Dự án Tuyến Metro số 5 TP.HCM: Dự kiến thay đổi phương án đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 1 tháng vận hành, tuyến Metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đã cho thấy hiệu quả rất tích cực trong việc nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng cho TP.HCM. Từ tín hiệu tích cực này, TP.HCM đang đẩy mạnh quá trình hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị, trong đó có tuyến Metro số 5. Tuy nhiên, muốn triển khai Dự án hiệu quả trong giai đoạn hiện tại, cần có nhiều điều chỉnh kịp thời.
Tuyến Metro số 5 sẽ kết nối với Metro số 1 và Metro số 2 để tạo thành hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất TP.HCM. Ảnh: Song Lê
Tuyến Metro số 5 sẽ kết nối với Metro số 1 và Metro số 2 để tạo thành hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất TP.HCM. Ảnh: Song Lê

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Metro số 5 (giai đoạn 1) thuộc danh mục dự án ưu tiên giai đoạn 2016 - 2020, có vai trò kết nối với tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2 để tạo thành một hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất Thành phố.

Về hướng tuyến, Dự án có xuất phát từ ngã tư Bảy Hiền dọc theo đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn; đi qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Tại thời điểm nghiên cứu, tổng mức đầu tư dự kiến của tuyến Metro số 5 khoảng 1,66 tỷ USD; tổng chiều dài khoảng 8,9 km (7,46 km ngầm và 1,43 km trên cao). Dự án có 9 ga (8 ga ngầm và 1 ga trên cao); depot mini đặt tại công viên Hoàng Văn Thụ rộng 2 ha. Nhà tài trợ Dự án ban đầu là Chính phủ Tây Ban Nha, ADB, EIB và KfW.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Dự án Metro số 5 đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cũng liên quan Dự án Metro số 5, UBND TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2 , hướng tuyến bắt đầu từ bến xe Cần Giuộc mới - Quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - ngã tư Bảy Hiền; đi qua các quận Tân Bình, Quận 10, Quận 5, Quận 8 và huyện Bình Chánh. Theo đó, chiều dài của giai đoạn 2 của Dự án khoảng 14,5 km, với số lượng 13 nhà ga; tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Thời gian qua, UBND TP.HCM đã đẩy nhanh công tác xúc tiến đầu tư, đề xuất Dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD). Đây cũng là dự án trọng điểm đang được Thành phố kêu gọi đầu tư.

Ngày 17/1/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết, Hội đồng đang tổ chức thẩm định Dự án Tuyến Metro số 5 TP.HCM. Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM đã được Bộ Chính trị thông qua. Bên cạnh đó, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng đã được địa phương trình thẩm định, dự kiến phê duyệt trong đầu năm 2025. Theo đó, nhiều nội dụng của Dự án Tuyến Metro số 5 sẽ có thay đổi so với quy hoạch cũ.

Đầu tiên là hướng tuyến, tuyến Metro số 5 sẽ được kéo dài trở thành tuyến bán vành khuyên nối Nam sang Đông, kết nối trọng điểm phát triển Hưng Long (phía Nam) đến trọng điểm phát triển Trường Thọ (phía Đông), kết nối bến xe Cần Giuộc mới (làng đại học Hưng Long), Bệnh viện Đại học Y dược, Đại học Y dược, Bệnh viện Hùng Vương, Sân vận động Phú Thọ, Đại học Bách Khoa, Khu đô thị Global City, Khu đô thị mới Vinhome Grandpark.

Ngoài ra, TP.HCM dự kiến thay đổi phương án đầu tư tuyến Metro số 5 theo hướng không phân kỳ thành 2 giai đoạn như trước. Theo đó, Thành phố sẽ đầu tư toàn tuyến và đưa Metro số 5 vào danh sách các tuyến ưu tiên đầu tư, nỗ lực hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt vào năm 2035. Nguồn vốn thực hiện Dự án sẽ ưu tiên dùng vốn ngân sách nhà nước (không dùng vốn ODA) và nhiều cơ chế chính sách đặc thù được đề xuất áp dụng.

Với các nội dung trên, hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sau hoàn thiện đã không còn phù hợp với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; các yếu tố thay đổi lớn (bao gồm: phạm vi, hướng tuyến, nguồn vốn đầu tư, các cơ chế đặc biệt...) không còn phù hợp với hồ sơ đề xuất ban đầu. Do đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, TP.HCM phải tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như quy định pháp luật hiện hành.

Tin cùng chuyên mục