Ảnh minh họa |
Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội Khóa XII ban hành ngày 17/11/2010 là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Một nội dung quan trọng của Luật là quy định về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, Khoản 1 Điều 78 Luật Khoáng sản quy định việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ở cả khu vực chưa thăm dò khoáng sản và khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực ngày 15/5/2012 (gọi tắt là Nghị định số 22/2012/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 22/2012/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Sau 7 năm triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản), đạt 52,23% kế hoạch. Trong đó, đấu giá tại các khu vực đã có kết quả thăm dò 56 khu vực (chiếm 18,4%), số tiền đạt được là 272,516 tỷ đồng; đấu giá tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò 248 khu vực (chiếm 81,6%), số tiền dự tính đạt được là 768,306 tỷ đồng. Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt 1.040,823 tỷ đồng, tăng 80,86% so với giá khởi điểm dự tính. Như vậy, thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã tăng thu cho ngân sách nhà nước 466,210 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ (đạt 50%) và thu về ngân sách nhà nước 354,358 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Đến nay, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản, qua thực tiễn triển khai các Nghị định quy định chi tiết các nội dung liên quan của Luật Khoáng sản, cho thấy còn một số quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tế, khó khăn khi áp dụng và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều.
Chẳng hạn như, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp ở quy mô nhỏ; hồ sơ đề nghị khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản; việc thu hồi, sử dụng khoáng sản dôi dư trong quá trình thi công dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thi công đào ao, san gạt, hạ cốt mặt bằng cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp có phát sinh một khối lượng đất, cát, đá dôi dư là khoáng sản, phải vận chuyển ra khỏi khu vực diện tích đất cải tạo nhưng có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp công trình - trường hợp này phải cấp phép khai thác khoáng sản, trong khi đó thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay tương đối phức tạp khi áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân cải tạo đất...
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP để phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của một số nghị định liên quan là cần thiết.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP gồm 6 chương, 39 điều. Một số nội dung mới được đưa ra như: Quy định về hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy định về việc đánh giá tài nguyên, trữ lượng đưa ra đấu giá; quy định về xử lý tiền đặt cọc; quy định về thời hạn nộp hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, cấp Giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá…
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định, hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sán; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản hợp lệ, đầy đủ theo quy định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Về cách xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò, Dự thảo Nghị định quy định nội dung này theo hướng mức thu tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được áp dụng ổn định trong suốt thời gian được cấp phép khai thác, trong diện tích khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Phương thức thu, nộp tiền trúng đấu giá được sửa đổi theo hướng đảm bảo phù hợp, bình đẳng đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá vẫn phải thực hiện các thủ tục để được cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác; trong khi đó phải nộp tiền trúng đấu giá cao hơn so với tổ chức, cá nhân được cấp phép không qua đấu giá.