Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Đề xuất cơ chế đầu tư lưới điện truyền tải

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải 10 năm tới, theo tính toán của đơn vị tư vấn lập Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), sẽ gấp đôi hiện nay.
Mặc dù Chính phủ đã cho phép tư nhân đầu tư các công trình truyền tải điện ở các hệ thống điện không phải lưới chính, nhưng hiện vẫn rất ít nhà đầu tư tham gia. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Mặc dù Chính phủ đã cho phép tư nhân đầu tư các công trình truyền tải điện ở các hệ thống điện không phải lưới chính, nhưng hiện vẫn rất ít nhà đầu tư tham gia. Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Với nhu cầu vốn lớn, nếu riêng ngành điện đầu tư thì không thể đáp ứng. Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút vốn phát triển lưới điện, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện giai đoạn tới.

Nhu cầu đầu tư lớn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, trong Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm gần 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó, các nguồn điện lớn như nhiệt điện than, điện khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió trên bờ, ngoài khơi và điện mặt trời dự kiến tăng thêm gần 30.000 MW.

Phần lớn các nguồn điện này đều nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, việc phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu. Ông Vượng cho biết, theo kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Đó là thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại.

“Chính vì vậy, việc phát triển hợp lý, hài hòa lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể trong quy hoạch điện lần này”, ông Vượng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện thuộc Viện Năng lượng (nhà thầu tư vấn lập Quy hoạch điện VIII) dự báo, khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải 500 - 220 kV trong 10 năm tới sẽ gấp đôi hiện nay với mục tiêu chủ yếu là truyền tải nguồn năng lượng tái tạo. Trung bình mỗi năm Việt Nam cần đưa vào vận hành 1.200 km đường dây 500 kV (trung bình hiện nay là 400 km/năm) và 2.000 km đường dây 220 kV (trung bình hiện nay là 1.048 km/năm). Chưa kể, hàng năm cần đưa vào sử dụng 8.000 MVA công suất trạm biến áp 500 kV (hiện nay là 2.800 MVA/năm) và 8.400 MVA công suất trạm biến áp 220 kV (hiện nay là 5.800 MVA/năm)… Đây sẽ là thách thức lớn cho ngành điện.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư vào lưới điện tương đối lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, toàn ngành cần 133,3 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư lưới điện là 37,7 tỷ USD. Giai đoạn 2031 - 2045, toàn ngành cần 184,1 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư lưới điện là 47,7 tỷ USD.

Theo ông Cường, mặc dù Chính phủ đã cho phép tư nhân tham gia đầu tư các công trình truyền tải điện ở các hệ thống điện không phải lưới chính, nhưng hiện vẫn rất ít nhà đầu tư tham gia. Lý do là theo quy định của Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền truyền tải điện. Do đó, việc tư nhân tham gia vào khâu nào vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Một thách thức khác được đơn vị tư vấn chỉ ra là, 10 năm tới, khối lượng đầu tư vào lưới truyền tải lớn, nhưng hệ số sử dụng lưới điện năng lượng tái tạo thấp hơn các loại điện truyền thống, thời gian hoàn vốn lâu hơn nên khó đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế thông thường.

Hóa giải thách thức

Nhằm phát huy các nguồn lực xã hội tham gia phát triển ngành điện, tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng các cơ chế để thu hút đầu tư. Cụ thể, tư vấn kiến nghị Chính phủ sớm xem xét trình Quốc hội sửa Luật Điện lực theo hướng linh hoạt để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện trong giai đoạn tới với việc tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là nguồn vốn tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Để hút vốn đầu tư lưới truyền tải, tư vấn đề xuất cần có cơ chế về chi phí truyền tải phù hợp để tái đầu tư lưới điện với tỷ trọng cao năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, đơn vị tư vấn cho rằng, cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện, giảm thiểu rủi ro về an toàn hệ thống do sự bất định của năng lượng tái tạo, nghiên cứu các loại công nghệ tích trữ năng lượng…

Cũng tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, vấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công Thương nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ. “Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nước ta trong giai đoạn tới, quan trọng hơn là tạo ra sự liên kết mạnh giữa hệ thống điện Việt Nam và các nước trong khu vực, hướng tới thị trường điện cạnh tranh”, ông Vượng cho biết.

Tin cùng chuyên mục