Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu nhằm phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hà Giang theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên các lợi thế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, lịch sử, xã hội và được vận hành trên cơ sở nền hành chính cải cách theo hướng cởi mở; nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình khá trong khu vực và khoảng cách ngày càng được rút ngắn so với mức trung bình cả nước; đời sống tinh thần được duy trì và phát triển trên cơ sở nền văn hóa đa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội và môi trường sống của người dân luôn được củng cố và cải thiện vững chắc.
Mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt khoảng 7,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 600 triệu USD; tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 33%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29% và dịch vụ chiếm 38%; giảm hộ nghèo xuống khoảng dưới 5% năm 2020.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng khoảng 8,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và khoảng 9,5%/năm giai đoạn 2025 - 2030. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 55 triệu đồng vào năm 2025 và 80 triệu đồng vào năm 2030; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 900 triệu USD vào năm 2025 và từ 1,5 đến 2 tỷ USD vào năm 2030.
Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 25,2%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33,5% và dịch vụ chiếm 41,3%. Phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 1,25% năm 2025; giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động/năm; duy trì tỷ lệ che phủ của rừng là 60%...
Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Theo quy hoạch, ngành nông, lâm nghiệp của Hà Giang sẽ phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 5,5 - 6% giai đoạn 2016 - 2020 và 6 - 7% giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thời, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, đưa giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường, trọng tâm là phát triển cây lúa nước và ngô lai; chú trọng phát triển những cây trồng thích hợp với điều kiện của tỉnh.
Tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi theo lợi thế từng vùng, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp; phát triển lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng
Ngành Du lịch, tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng để tận dụng và phát huy tốt giá trị của các tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử và văn hóa đặc thù của các dân tộc trong tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế chung của tỉnh với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang bản sắc văn hoá Hà Giang, thân thiện với môi trường, đưa Hà Giang trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng và của cả nước...