Đưa Việt Nam đi nhanh trên “xa lộ” kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các doanh nghiệp (DN) công nghệ được coi là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ, góp phần giúp Việt Nam đi nhanh hơn trên con đường phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc tạo lập khung pháp lý cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ, bản thân DN phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Tiên Giang
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Tiên Giang

Mục tiêu thách thức và sứ mệnh của DN công nghệ

Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022, tỷ trọng kinh tế số đến năm 2025 đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30% GDP. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực đến năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.

Báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu đã công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.

Với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã và đang khai thác tốt cơ hội để tăng cường cạnh tranh, hội nhập quốc tế về kinh tế số, nền tảng số. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có nhiều việc thuộc sứ mệnh của DN công nghệ số.

Tại chương trình bình chọn “Top 10 DN công nghệ số xuất sắc Việt Nam” vừa qua, nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về chuyển đổi số đã được chia sẻ. Đó là sự dấn thân của Rikkeisoft từ 5 thành viên sáng lập, sau 10 năm đã có 1.500 nhân sự với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 180%; câu chuyện của Tập đoàn FPT tiên phong về công nghệ, đầu tư mạnh mẽ nguồn lực để nghiên cứu, sáng tạo các nền tảng công nghệ tiên phong Make in Viet Nam, giải quyết các bài toán chuyển đổi số cho nhiều cơ quan, tổ chức, DN; câu chuyện của Viettel Solutions xây dựng 36 trung tâm điều hành thông minh IOC, triển khai chuyển đổi số cho 32 tỉnh, thành; VNPT, MobiFone triển khai nền tảng số phục vụ cho ngành nông nghiệp, du lịch với hiệu quả cao; OneMount Group chuyển đổi số cho hơn 100.000 cửa hàng tạp hoá…

Tại Diễn đàn quốc gia về kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất năm 2023 được tổ chức mới đây, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sự hưởng ứng và tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là các DN dẫn đầu trong lĩnh vực này như VNPT, MobiFone, Viettel, FPT… đã tạo nên những bước chuyển mình và đột phá mạnh mẽ trong thời gian qua, không chỉ trong các lĩnh vực của Chính phủ số, kinh tế số, mà cả xã hội số, công dân số.

Đơn cử, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, các DN công nghệ dù là phát triển công nghệ, sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như một dịch vụ đều là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội, góp phần triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam (Make in Vietnam).

Biến công nghệ số thành động lực cho đổi mới sáng tạo

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ, ứng dụng công nghệ để phát triển hệ sinh thái tài chính số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số giờ đây đã trở thành trụ cột tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thanh toán điện tử vài năm gần đây liên tục tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua di động tăng 100 - 200%; 94% người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số; 4 tháng đầu năm 2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị… Bản thân Viettel cũng phát triển hệ sinh thái tài chính số Viettel Money với khoảng 1 tỷ giao dịch/năm, 25 triệu khách hàng và là một trong những đơn vị đứng đầu về quy mô giao dịch trên nhiều lĩnh vực (thanh toán điện, nước, giáo dục, giao thông, viễn thông, các dịch vụ hành chính công…).

Dưới góc nhìn chuyển đổi số DN, ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc chuyển đổi số Công ty CP Misa chia sẻ, nhu cầu chuyển đổi số của 800.000 DN hiện vô cùng lớn và đa dạng, trong khi mỗi DN công nghệ số chỉ cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ cốt lõi chính của mình, khách hàng lại cần sự thuận tiện và trải nghiệm tốt. Do đó, Misa đã đưa ra giải pháp, nền tảng quản trị DN hợp nhất giúp tạo ra nền tảng số lõi cho chuyển đổi số DN, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chuyển đổi số của DN với hệ sinh thái số về quản trị tài chính - kế toán, marketing - bán hàng, quản trị nguồn nhân lực, văn phòng số…

Để đạt mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Ông Matthew Francois, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của McKinsey & Company cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong xây dựng nền kinh tế số để tăng mức đóng góp của kinh tế số vào GDP trong thập kỷ tới. Một số lĩnh vực kinh tế số có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, đó là giao dịch thương mại điện tử trực tuyến ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy kinh tế số; chuyển đổi số đang được triển khai trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, được thúc đẩy bởi hạ tầng số. Đây là cơ hội để Việt Nam sử dụng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy sản xuất, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia; tăng năng suất lao động, tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các DN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Chia sẻ bài học thành công của Singapore trong xây dựng nền tảng số và dữ liệu số, ông Matthew Francois cho biết, Singapore sử dụng dữ liệu mở để thu hút đầu tư của khu vực công và tư cho phát triển dữ liệu. Hai quốc gia ở châu Âu là Ireland và Hà Lan thành công trong việc thu hút các DN công nghệ toàn cầu đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu.

Bàn về giải pháp, hành động cụ thể phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó có vai trò đóng góp của DN số, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp lý cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam". Bên cạnh đó, các DN phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, áp dụng thực tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh.