Việc cắt giảm thuế quan nhờ các FTA sẽ không còn là lợi thế nếu không nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Tiên |
Bình tĩnh với các FTA
Theo nhận định của TS. Trần Toàn Thắng, Phó ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không nên kỳ vọng nhiều vào cắt giảm thuế quan từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Những thách thức và cơ hội của Việt Nam đối với các FTA sẽ chuyển hoá rất nhanh, trong khi bản thân các FTA luôn có những ràng buộc.
Việt Nam sẽ chỉ đạt lợi ích từ các FTA ở mức độ vừa phải. Như lời ông Thắng, nếu chỉ nhìn vào mặt thuế quan, chẳng hạn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2018, trong số một loạt hàng hoá thiết yếu của Việt Nam xuất khẩu sang EU, với thay đổi về thuế thì sẽ có thay đổi về giá, nhưng như thế không có nghĩa là khách hàng EU sẽ mua nhiều hơn. Nếu chỉ nhìn vào việc thay đổi dòng thuế thì thấy rất nhiều, nhưng nếu nhìn từ nguồn cầu, tổng lượng xuất khẩu có thay đổi được hay không lại là một câu chuyện khác khi nhìn vào cấu trúc xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang EU hiện nay.
Phân tích cho thấy, mức thuế quan của Việt Nam nếu tính từ năm 2005 đến nay đang giảm rất nhanh. Việc giảm nhanh này nói lên rằng Việt Nam đang cố gắng tiệm cận mức thuế quan trung bình của thế giới và mở cửa. Trên thực tế, như lời TS. Trần Toàn Thắng, trong một xu hướng chung, việc ký kết các FTA có tác dụng chủ yếu là giúp Việt Nam đỡ bị thiệt hại hơn là được lợi, vì vậy chúng ta cần có thái độ bình tĩnh hơn với các FTA. Có thể so sánh, trong khi Việt Nam đã ký kết 15 FTA thì các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng ký kết số lượng FTA khá nhiều. Đơn cử như Thái Lan, Malaysia đều đã có 21 FTA, còn Singapore thì “mở” nhất, với 32 FTA.
Tuy nhiên, một vấn đề khá nghiêm trọng đối với Việt Nam là chúng ta mở cửa hội nhập nhưng chưa chuẩn bị sẵn sàng. Nhất là khi năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam yếu hơn so với nhiều nước trong khu vực. Hoặc, nếu chỉ nhìn riêng vào “hàng rào thương mại của Việt Nam” đối với hàng nhập khẩu còn rất yếu cũng đủ để thấy những bất cập.
Cải thiện đầu tư
Giới chuyên gia lưu ý rằng, Việt Nam, với một nền kinh tế kế hoạch hoá chuyển đổi, để bảo hộ sản xuất nội địa đã dựng lên những “hàng rào thương mại” khá là nhiều và “thô” so với các nước khác. Những giải pháp, chẳng hạn như quota nhập khẩu của Việt Nam, nếu so sánh với hàng rào kỹ thuật mà các nước EU đã dựng lên với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam thì sẽ thấy khá là “thô”.
Điều đó đã chỉ ra rằng, để “hàng rào thương mại” của Việt Nam dựng lên mà không bị kiện trong khuôn khổ WTO, cũng như trong khuôn khổ các FTA khác, cũng là một thách thức lớn của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng như hiện nay. Bởi thực tế, dù các nước có “mở” khi FTA có hiệu lực thì họ vẫn có những chính sách để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Trong khi Việt Nam tuy đã nói là “mở” nhưng vẫn chưa thực sự thay đổi được sự bảo hộ đối với một số ngành trong nước.
Cũng theo TS. Trần Toàn Thắng, trong thời gian tới, việc thực hiện các FTA không hẳn là câu chuyện của thương mại, mà còn liên quan rất nhiều đến câu chuyện đầu tư. Các FTA đã tác động đến đổi mới thể chế trong nước, đặc biệt là yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư.
Giới chuyên gia cho rằng việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư chất lượng cao. Nhất là khi nhiều tập đoàn lớn đã đón đầu TPP và EVFTA thông qua nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành điểm trung chuyển kết nối hoạt động thương mại của các đối tác lớn tại ASEAN. Tác động này càng được cộng hưởng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành hơn một năm qua.