"Soi" danh mục dự án điện
Ngày 18/9 tới đây, 135 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) sẽ được giao dịch trên trên HOSE với mã chứng khoán TTA. Với mức giá tham chiếu trong ngày đầu tiên giao dịch 18.000 đồng/cp, Trường Thành Group có vốn hóa lên tới 2.430 tỷ đồng.
Khác với nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, khi lên sàn chứng khoán Trường Thành Group đã có sẵn danh mục 6 dự án bao gồm cả thuỷ điện, quang điện và điện gió.
Trong đó, có 3 nhà máy đã đi vào vận hành, bao gồm: 2 nhà máy thuỷ điện Ngòi Hút 2 (công suất 48MW) và Ngòi Hút 2A (công suất 8,4MW) ở tỉnh Yên Bái; và nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ (công suất 61,776MWp) tại tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, Công ty đang rót vốn đầu tư vào Dự án Thủy điện Pá Hu với mức đầu hơn hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 20/9/2020, ngay sau khi doanh nghiệp này niêm yết. Nhưng năng lượng tái tạo mới là lĩnh vực được ban lãnh đạo của Công ty ưu tiên hơn cả.
Được biết, dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 (công suất 50MW) ở Ninh Thuận của Trường Thành Group dự kiến hoạt động vào tháng 10/2020. Trong khi đó, dự án phong điện Phương Mai 1 (công suất 30 MW) ở Bình Định dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Cả 2 dự án trên đều có mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, trong đó dự án Hồ Núi Một 1 dự kiến vận hành từ tháng 10/2020 sẽ đáp ứng đủ điều kiện để hưởng giá điện 9,35 Uscents/kWh. Còn dự án Phương Mai 1 phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2021 để hưởng những ưu đãi trong phát triển điện gió của Chính phủ.
Ngoài ra, tập đoàn này còn muốn nâng công suất phát điện của các dự án năng lượng tái tạo lên 992 MW vào năm 2025. Trong đó, trọng tâm phát triển chủ yếu của Trường Thành Group ở giai đoạn tới sẽ là các dự án phong điện.
Việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết với thủy điện, đồng thời hứa hẹn sẽ là những “cỗ máy in tiền” tiếp theo cho Trường Thành Group.
Gia cố nội lực
Tham vọng lớn cũng đi kèm với nhu cầu vốn lớn. Ngay sau khi lên sàn, trong thời gian tới, Công ty dự kiến dự kiến chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng.
Việc phát hành thêm cổ phiếu là một trong những nỗ lực của Trường Thành Group trong việc tìm kiếm những đối tác chiến lược có chất lượng, có tâm huyết với năng lượng tái tạo và có cam kết đồng hành lâu dài.
Mặt khác, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Trường Thành Group còn có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với những quỹ đầu tư, các nhà cung cấp tín dụng chuyên nghiệp, dồi dào nguồn lực. Điều này sẽ góp phần mang đến những giải pháp huy động vốn đa dạng với chi phí rẻ cho Trường Thành Group.
Bản thân các dự án thuỷ điện và quang điện đi vào hoạt động với mức giá bán vượt trội đã tạo dòng tiền kinh doanh ổn định, là dòng vốn nội sinh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2018 và 2019 của Công ty lần lượt đạt 370,7 tỷ đồng và 468,4 tỷ đồng, con số này trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 169 tỷ đồng.
Dòng tiền tốt là tiền đề quan trọng để Công ty có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn có chi phí hợp lý, mở rộng đầu tư vào các dự án điện mới.
Nửa đầu năm 2020, Trường Thành Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 169,6 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp của Công ty đạt 114,5 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận gộp ở mức 67,5% - đây là mức cao so với nhiều doanh nghiệp khác trong cùng ngành điện như Công ty CP Điện Gia Lai (58,6%), Công ty CP Thủy điện Miền Trung (31,4%) hay Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (15,2%).
Sau khi trừ tiếp các khoản chi phí, Trường Thành Group báo lãi trước thuế đạt 44 tỷ đồng tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ./.