Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại trễ hẹn?

(BĐT) - Do đang chờ nguồn vốn vay bổ sung từ phía Trung Quốc được giải ngân nên nhiều đoạn tuyến của Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang phải dừng hoặc giãn tiến độ. 
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bị chậm tiến độ vì thiếu vốn. Ảnh: Trung Kiên
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bị chậm tiến độ vì thiếu vốn. Ảnh: Trung Kiên

Thực trạng này đang làm dấy lên những quan ngại về việc liệu tháng 10/2017, công trình “nổi tiếng” về đội vốn và “lụt” tiến độ này có hoàn thành và vận hành thử hay phải dời mốc cán đích, tiếp tục “khất” tiến độ?

“Sốt ruột” chờ tàu chạy

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, do thiếu vốn, chờ nguồn vốn vay bổ sung được giải ngân mà hiện một số đoạn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang phải giãn tiến độ, thậm chí là “đắp chiếu” nhiều ngày nay. Nhiều người dân sinh sống 2 bên tuyến đường Dự án đi qua hoặc người tham gia giao thông đều bức xúc bởi tình trạng kẹt xe do đường chật, công trình chiếm dụng lòng đường nhưng lại không thi công…

Sau nhiều lần “khất” và “nợ” tiến độ, dư luận dường như đã mất niềm tin dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhiều lần khẳng định về mốc tiến độ mới của công trình này: tháng 10/2017 sẽ hoàn thành và vận hành chạy thử để từ năm 2018 đưa tuyến đường sắt này vào khai thác thương mại. Một người dân sống ở khu vực Hà Đông cho hay: “Không biết bao giờ công trình này mới xong để chúng tôi đỡ khổ, người ta bảo cuối năm nay thì có thể chạy tàu nhưng không biết có tin được không. Nhiều ngày nay, đoạn trước cửa nhà tôi có thấy thi công gì đâu, tình trạng giao thông thì ách tắc nghiêm trọng, công trình chiếm dụng lòng đường mà không thi công khiến chúng tôi vô cùng bức xúc và sốt ruột”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 12/4/2017, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, hiện nay Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang trông chờ nguồn vốn bổ sung. Khả năng “cán đích” vào tháng 10/2017 của tuyến đường sắt này phụ thuộc rất nhiều vào việc nguồn vốn bổ sung có được “rót” kịp thời cho Dự án hay không. Ông Sanh khẳng định, việc nhiều đoạn tuyến đang phải giãn, dừng tiến độ như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ tổng thể của Dự án. 

Nguồn vốn sắp được khai thông

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC. Theo dự kiến, cuối năm 2016, Dự án hoàn thành xong phần xây lắp và tiến hành chạy thử. Tuy nhiên, dự án này liên tục trễ hẹn và đã phải bổ sung khoản vay tương đương 250 triệu USD (tăng hơn 45% tổng mức đầu tư).
Trả lời chất vấn của báo chí về khả năng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tiếp tục bị “lụt” tiến độ, khó hoàn thành và chạy thử vào tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ đã và đang tích cực làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để giải ngân nguồn vốn vay bổ sung cho Dự án. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 4/2017, nguồn vốn này sẽ được khai thông. Và khi đã có nguồn vốn bổ sung này, tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu sẽ nỗ lực “bù” tiến độ, cố gắng vào tháng 10/2017 sẽ hoàn thành và chạy thử để đầu năm 2018 chính thức đưa Dự án vào khai thác thương mại.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đã từng lý giải, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tiếp bị chậm tiến độ là do có nhiều điểm khác nhau trong hình thức đầu tư EPC giữa Việt Nam và Trung Quốc, do có biến động lớn về giá dẫn đến trượt giá và đội vốn công trình, phải vay bổ sung để hoàn thành Dự án; nhiều gói thầu thiết bị cho công trình phải thẩm định giá, chất lượng…

Với thực trạng triển khai Dự án như hiện nay, nhiều quan ngại đang được đặt ra về tiến độ và chất lượng tuyến đường sắt này sau khi hoàn thành có được như kỳ vọng. Thiếu vốn đang là “nút thắt” lớn của Dự án. Tuy nhiên, sau khi phần vốn bổ sung này được giải ngân, nếu các nhà thầu “chạy đua” tiến độ để cán đích vào tháng 10/2017 thì liệu công trình có bảo đảm chất lượng?