Ảnh Internet |
"Dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng lạm phát, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh truyền tải chính sách tiền tệ, việc điều tiết mức độ hạn chế chính sách tiền tệ sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định là điều phù hợp", Hội đồng Điều hành ECB cho biết.
Trong các dự báo kinh tế vĩ mô cập nhật sẽ được các nhà đầu tư phân tích chặt chẽ, các quan chức ECB đã nâng triển vọng lạm phát cơ bản trung bình hàng năm cho năm 2024 lên 2,5%, từ mức 2,3% trước đó; năm 2025 từ 2% lên 2,2%; năm 2026 vẫn ở mức 1,9%.
Các thị trường tiền tệ đã lường trước được quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm của ECB. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2019, khi cơ sở tiền gửi ở mức âm.
Bên cạnh đó, các thị trường dự báo sẽ có thêm 1 lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay, nhưng các nhà kinh tế được Reuters thăm dò vào tuần trước cho rằng, sẽ có thêm 2 lần cắt giảm lãi suất của ECB trong năm.
Dean Turner - nhà kinh tế trưởng khu vực đồng Euro tại UBS Global Wealth Management cho rằng, việc ECB tiếp tục cắt giảm tại cuộc họp tháng 7 là khó có thể xảy ra. "Lạm phát đang nóng hơn một chút so với dự đoán của thị trường. Về thời điểm cắt giảm lãi suất tiếp theo, tôi vẫn cho rằng phải đến tháng 9", ông Dean Turner nhận định.
Lần cắt giảm lãi suất này giúp ECB "đi trước" Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong lộ trình giảm lãi suất. FED - ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới vẫn đang gặp trở ngại bởi tỷ lệ lạm phát cao tại Mỹ.
Hôm 5/6, Canada là quốc gia G7 đầu tiên hạ lãi suất trong chu kỳ hiện tại. Trước đó, các ngân hàng trung ương của Thụy Điển và Thụy Sỹ đã thông báo thực hiện đợt giảm lãi suất trong năm nay.