Ảnh Internet |
"Dựa trên đánh giá hiện tại, lãi suất cơ bản đã đạt đến mức có thể duy trì trong thời gian đủ dài để góp phần đáng kể vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%", ECB cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp.
Lạm phát hàng năm ở 20 quốc gia sử dụng đồng Euro đã "hạ nhiệt" trong tháng trước, song vẫn ở mức 5,3% - cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% - do chi phí năng lượng tăng. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất liên tiếp đang hạn chế các hoạt động kinh tế.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch ECB Christine Lagarde bảo vệ quyết định tăng lãi suất hôm 14/9 và cho biết, lạm phát "vẫn còn ở mức quá cao và quá lâu".
Các nhà kinh tế đồng thuận cho rằng, trọng tâm của ECB hiện nay dường như là giữ lãi suất ở mức cao này, thay vì tiếp tục tăng. "Đây có vẻ như là mức đỉnh lãi suất", các nhà phân tích tại Morgan Stanley nhận định.
Tương tự, Nhà kinh tế trưởng tại Berenberg Holger Schmieding, cho biết: "Tất nhiên, ECB vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình… Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy ECB không mong đợi việc tăng thêm lãi suất".
Quý II/2023, nền kinh tế khu vực đồng Euro chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% so với quý trước. Trong đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đang phải vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái mùa đông năm ngoái, khi GDP của nước này giảm trong 2 quý liên tiếp.
Văn phòng thống kê châu Âu cho biết hôm thứ 14/9 rằng, sản xuất công nghiệp đã giảm 1,1% ở cả khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu (EU) nói chung trong tháng 7 so với tháng 6.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), lạm phát cao và việc tăng lãi suất cần thiết để kiềm chế lạm phát cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong những tháng tới. Hôm 12/9, cơ quan điều hành của EU đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới. Theo đó, EC kỳ vọng nền kinh tế EU sẽ tăng trưởng 0,8% vào năm 2023.