Evergrande vẫn ngập trong khủng hoảng nợ, vừa bị ngân hàng “xiết” 2 tỷ USD tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
Các ngân hàng đã thu giữ 2 tỷ USD tiền mặt của Evergrande – “đế chế” bất động sản Trung Quốc cho biết ngày 22/3 khi tuyên bố hoãn việc công bố kết quả kinh doanh hàng năm...
Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn - Ảnh: CNA.
Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn - Ảnh: CNA.

Theo tin từ CNN, Evergrade nói sẽ không thể công bố kết quả kinh doanh năm 2021 đã kiểm toán vào đúng thời hạn 31/3. Năm 2021 là năm u ám nhất trong lịch sử Evergrande, khi công ty rơi vào cảnh vỡ nợ và thị trường bất động sản Trung Quốc sụt giảm chóng mặt.

Một trong các công ty con của Evergrande là Evergrande Property Serivces cho biết một số chủ nợ đã bất ngờ tuyên bố rằng khoảng 13,4 tỷ Nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) trong tiền gửi ngân hàng của công ty là tài sản thế chấp do “bên thứ ba đảm bảo”. Vì lý do này, phía ngân hàng đã thu giữ số tiền 2,1 tỷ USD. Evergrande Property Services không nói rõ đó là những ngân hàng nào, nhưng cho biết công ty sẽ thành lập một uỷ ban độc lập để điều tra.

Evergrande là một trong những doanh nghiệp địa ốc lớn nhất của Trung Quốc và là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ. Trong số này có khoảng 19 tỷ USD là dư nợ trái phiếu quốc tế nắm giữ bởi các công ty quản lý tài sản nước ngoài và các ngân hàng phục vụ tư nhân đầu tư thay cho khách hàng.

Hồi tháng 12, Evergrande bị tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings tuyên vỡ nợ. Động thái đánh tụt điểm tín nhiệm của Evergrande xuống ngưỡng đáy “vỡ nợ” được Fitch giải thích là phản ánh việc công ty này mất khả năng thanh toán tiền lãi đối với hai lô trái phiếu USD.

Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chiến dịch kiềm chế hoạt động vay nợ tràn lan của các công ty bất động sản trong nước, nhằm cắt giảm tình trạng sử dụng đòn bẩy trong ngành địa ốc và hạn chế đà leo thang của giá nhà. Trong bối cảnh đó, ngành địa ốc Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng mà đỉnh điểm là vào mùa thu năm ngoái, khi Evergrande bắt đầu phát đi những tín hiệu cảnh báo về thanh khoản.

Giờ đây, đã có những bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang giữ vai trò dẫn dắt đưa Evergrande vượt qua một cuộc tái cơ cấu nợ và hoạt động kinh doanh trải rộng của “đế chế” này.

Tuy nhiên, một số chủ nợ quốc tế của Evergrande đã tỏ ra mất kiên nhẫn. Hồi tháng 1, một nhóm chủ nợ trái phiếu quốc tế của Evergrande đe doạ đâm đơn kiện nhằm vào quy trình tái cơ cấu nợ của Evergrande mà họ cho là thiếu minh bạch. Nhóm này tuyên bố sẽ “xem xét nghiêm túc các hành động luật pháp” sau khi Evergrande không chịu cung cấp cho chủ nợ những thông tin rõ ràng về tái cơ cấu hoạt động kinh doanh.

Evergrande lại đến hạn phải thanh toán một khoản lãi nữa vào ngày 23/3. Hiện chưa có thông tin nào về việc công ty đã thực hiện nghĩa vụ nợ này hay chưa.

Về báo cáo tài chính năm 2021, Evergrande cho biết “công tác kiểm toán còn chưa hoàn tất” và “những thay đổi nhanh chóng” trong môi trường hoạt động kinh doanh của công ty cũng như đại dịch Covid-19 đã gây ra những trở ngại cho việc chuẩn bị báo cáo này. Evergrande khẳng định sẽ công bố báo cáo “sớm nhất có thể” sau khi công tác kiểm toán hoàn tất.

Nhiều “ông lớn” bất động sản Trung Quốc khác cũng đang đối mặt thời hạn 31/3 phải công bố báo cáo tài chính năm 2021.

Sunac China và Shimao China, hai công ty xếp thứ 3 và 12 về doanh thu trên thị trường bất động sản Trung Quốc trong năm ngoái, cho biết sẽ hoãn công bố báo cáo tài chính. Cả hai đều đưa ra lý do là những hạn chế liên quan đến Covid như cách ly và hạn chế đi lại dẫn tới quy trình kiểm toán bị cản trở.

Tương tự, Ronshine China - một doanh nghiệp trong top 30 công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc về doanh thu trong năm ngoái – nói sẽ không thể công bố báo cáo tài chính 2021 đã kiểm toán đúng hạn 31/3.

Tin cùng chuyên mục