Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cụ thể, Hiệp định dự kiến sẽ góp phần tăng GDP thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Về thương mại, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù chưa tính được con số chính xác về FDI tăng thêm, tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU. Các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới. Cùng với đó, chất lượng dòng vốn FDI cũng được cải thiện.