EVFTA - tham vọng để tiến nhanh hơn

(BĐT) - Trong cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng, với việc thực thi và vượt qua các thách thức của EVFTA, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ có những bước tiến toàn diện.
Với việc thực thi EVFTA, môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ có những đổi thay tích cực trong thời gian tới. Ảnh: Trương Gia
Với việc thực thi EVFTA, môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ có những đổi thay tích cực trong thời gian tới. Ảnh: Trương Gia

Thưa bà, với việc tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhiều thỏa thuận thương mại song phương khác, nền kinh tế Việt Nam đến nay đã có độ mở rất lớn. Bà cảm nhận gì về những đổi thay của Việt Nam trong những năm vừa qua?

Tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia rất tham vọng so với các nước đang phát triển trên thế giới và các nước cùng khu vực. Tôi đã từng làm tham tán thương mại ở các quốc gia khác và tôi thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, Columbia cũng là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình nhưng khi ký FTA với EU, họ không tham vọng bằng Việt Nam. Điều này thể hiện qua các cam kết không chỉ về cắt giảm thuế quan mà còn là bảo hộ đầu tư, chỉ dẫn địa lý, mua sắm công, không chỉ trong thương mại hàng hóa mà còn trong thương mại dịch vụ và đầu tư, qua đó tạo lợi thế cho Việt Nam trong việc tham gia và hội nhập mạnh mẽ hơn. Với tham vọng đó, Việt Nam có thể có những bước tiến cao hơn và nhanh hơn. 

Xin bà nói rõ hơn về ý nghĩa của từ “tham vọng” trong bình luận trên?

EVFTA - tham vọng để tiến nhanh hơn ảnh 1
Bà Miriam Garcia Ferrer
Chữ “tham vọng” này thể hiện ở việc mở cửa cho hầu hết các mặt hàng, chỉ còn một số ít hàng hóa là mở cửa theo hạn ngạch thuế quan tại các cam kết WTO. Trong 10 năm tới, mức thuế nhập khẩu sẽ về 0% với hầu hết các hàng hóa của EU vào Việt Nam.

Trong khi đó, Columbia vẫn giữ thuế quan ở chừng mực nhất định với một số hàng hóa nhạy cảm hoặc đặt lộ trình tự do hóa dài hơn 10 hay 17 năm. Mặt khác, không chỉ tự do hóa về hàng hoá, Việt Nam có những cam kết về sở hữu trí tuệ, đáp ứng theo cam kết quốc tế. Đáng chú ý, với CPTPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa một phần hoạt động mua sắm công (mở cửa ở cấp các cơ quan nhà nước trung ương, không cam kết mở cửa cơ quan cấp địa phương). Còn với EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa cả cấp địa phương (Hà Nội và TP.HCM). 

Theo bà, việc mở cửa trong lĩnh vực mua sắm công có ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?

Với việc mở cửa lĩnh vực mua sắm công, các công ty nước ngoài được phép tham gia lĩnh vực này và được đối xử công bằng như các doanh nghiệp trong nước. Ở nội dung này, Việt Nam đặt ra một số ngưỡng nhất định với lộ trình mở cửa dần dần. 

Các công ty của các quốc gia thuộc EU sẽ có cơ hội tham gia đấu thầu, tiếp cận thị trường mua sắm công của Việt Nam. Mặt khác, cơ chế đấu thầu công khai và minh bạch trong lĩnh vực mua sắm công sẽ tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh, từ đó, cung ứng được những hàng hóa có chất lượng cao với giá cả tốt nhất. Việt Nam chưa tham gia Hiệp định Mua sắm chính phủ (GPA) của WTO, tuy nhiên, với việc mở cửa thị trường mua sắm công theo EVFTA, Việt Nam đã đạt khoảng 90% cam kết theo GPA. 

Điều này cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp EU đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua việc cung cấp những hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, giá cả tốt, tạo sức cạnh tranh trên thị trường và hẳn lĩnh vực mua sắm công sẽ tốt hơn. 

EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng thương mại - đầu tư mạnh mẽ cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc mở cánh cửa nền kinh tế rộng hơn cũng có nghĩa là phải chuẩn bị để đón nhận những rủi ro mới, có đúng không, thưa bà?

Tôi không nghĩ đó là “rủi ro”, mà là “thách thức” theo nghĩa là có thể vượt qua để biến thành cơ hội. Thách thức trước hết là phải hiểu, tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Nhờ đó, hàng hóa của Việt Nam mới có thể xuất khẩu được sang EU. Khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, hàng Việt Nam không chỉ vào được EU mà còn có thể đi sang nhiều thị trường khác nữa. Đó cũng là cách để các bạn nâng cao chất lượng hàng hóa.

Thách thức thứ hai là vấn đề thương hiệu. Thực tế, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi ở châu Âu. Chẳng hạn, nhiều khách hàng đến siêu thị để mua cà phê và hạt điều Việt Nam nhưng họ chưa có nhận thức rõ về hình ảnh thương hiệu hàng hóa của đất nước các bạn. Điều này cũng xảy ra với các mặt hàng khác, đặc biệt trong lĩnh vực nông, thủy sản. Mặt khác, để đẩy mạnh nhận diện về thương hiệu, rất cần nâng cao chất lượng hàng hóa, từ nguyên liệu đầu vào, độ tin cậy của chỉ dẫn địa lý. Nếu hàng hóa có hàm lượng nguyên liệu đầu vào không đảm bảo tiêu chuẩn về xuất xứ thì cũng không được hưởng các ưu đãi theo EVFTA. 

Với EVFTA, từ góc nhìn của bà, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ có những thay đổi gì trong thời gian tới?

Về kinh tế, trao đổi thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt hơn 55 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 42 tỷ USD và nhập khẩu hơn 13 tỷ USD. Với việc thực thi EVFTA, tôi tin là thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhờ đó, tổng thu nhập quốc gia chắc chắn sẽ có bước tiến đáng kể.

Về xã hội, EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững. Theo đó, các vấn đề về thương mại và đầu tư phải gắn liền với các yếu tố tác động bền vững với môi trường, người lao động, điều kiện xã hội, điều kiện của người lao động và các nội dung khác liên quan đến xã hội. Việc thực thi các điều kiện đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam để bảo vệ và tránh các tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Chẳng hạn, thủy sản xuất khẩu cũng phải đáp ứng các yêu cầu về đánh bắt cá mang tính bền vững, mặt hàng gỗ phải đạt chứng chỉ về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Về lao động, tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã gia nhập Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Đây là một tín hiệu rất tích cực. Mặt khác, Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Việt Nam dự kiến sẽ được thông qua vào mùa thu năm nay có các điều khoản và nội dung phù hợp với cam kết trong EVFTA, từ đó, mang lại môi trường làm việc thuận lợi hơn cho người lao động. Tất cả những điều này chắc chắn sẽ giúp môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam có những đổi thay tích cực trong thời gian tới.