Mark Zuckerberg, CEO Facebook. Ảnh:AP |
Theo New York Times, Facebook đã thực hiện một thỏa thuận trong đó có điều khoản cho phép các nhà sản xuất thiết bị như Apple, Amazon và Microsoft tiếp cận dữ liệu người dùng cá nhân, gồm danh sách bạn bè, thông tin liên hệ và đôi khi cả tin nhắn riêng tư. Không phải lúc nào việc truy cập thông tin cũng có sự đồng ý của người dùng.
Một bồi thẩm đoàn lớn ở New York đã tiến hành lập hồ sơ từ ít nhất hai nhà sản xuất thiết bị thông minh để thảo luận về những vấn đề pháp lý bí mật. Cả hai công ty này đã hợp tác với Facebook và có được quyền truy cập vào thông tin của hàng trăm triệu người dùng.
"Chúng tôi đang phối hợp với nhà điều tra một cách nghiêm túc", một phát ngôn viên của Facebook nói với Business Insider. "Chúng tôi đã cung cấp lời khai công khai, trả lời các câu hỏi và cam kết sẽ tiếp tục làm như vậy".
Tháng 12/2018, New York Times đưa tin Facebook đã để công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft truy cập tên tất cả bạn bè của người dùng mà chưa có sự đồng ý. Trong khi đó, mạng xã hội này cũng cho Amazon thu thập tên và thông tin liên hệ của một người cụ thể thông qua bạn bè, hay cho Yahoo xem luồng bài đăng của bạn bè gần đây. Các dịch vụ như Spotify hay Netflix thậm chí có thể đọc tin nhắn của hàng triệu tài khoản Facebook mỗi tháng.
Trong bài giải thích trên blog sau đó, Facebook cho biết mối quan hệ đối tác này là cần thiết để kích hoạt một số tính năng xã hội nhất định trong các ứng dụng bên ngoài, như đăng nhập vào tài khoản Facebook từ điện thoại Windows hoặc chia sẻ bài hát Spotify mà người dùng đang nghe qua Facebook Messenger.
"Để rõ ràng, không có thỏa thuận hay tính năng nào cho phép các công ty truy cập thông tin mà không có sự đồng ý của mọi người. Họ cũng không vi phạm thỏa thuận năm 2012 của chúng tôi với FTC", Facebook viết.
Hầu hết các quan hệ đối tác này đã kết thúc trong vài năm qua.
Thông tin điều tra hình sự xuất hiện trong lúc Facebook đang vật lộn để khôi phục hình ảnh của mình trước công chúng, sau một loạt scandal rò rỉ dữ liệu cá nhân của người dùng cũng như truyền bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook đã phải đối mặt với nguy cơ nộp phạt hàng tỷ USD để giải quyết các cáo buộc về quyền riêng tư của Ủy ban Thương mại Liên bang và các cơ quan khác. Tuy nhiên, điều tra hình sự sẽ làm tình hình thêm phần căng thẳng.
Trong khi đó, từ 23h ngày 13/3, một sự cố kỹ thuật đã xảy ra khiến người dùng và các nhà quảng cáo không thể truy cập Facebook trong nhiều giờ. Sự cố lần này được đánh giá là lâu nhất và trên diện rộng nhất, khi kéo dài hơn 8 giờ. Theo BBC, lần gần nhất Facebook bị "sập" với quy mô rộng toàn cầu và lâu như thế này đã là từ năm 2008, nhưng khi đó họ chỉ có 150 triệu thành viên, còn hiện số người dùng Facebook hàng tháng lên tới 2,3 tỷ. Facebook đã lên tiếng thông qua Twitter, khẳng định "vấn đề không liên quan tới tấn công từ chối dịch vụ DDoS" và đang nỗ lực khắc phục sớm nhất có thể.