Trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành quốc gia sản xuất đồ điện tử, gia dụng... xuất khẩu quy mô lớn |
GS.TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư - nhận định về FDI trước thềm xuân mới Đinh Dậu 2017.
Ông có nhận định gì về tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua?
Thu hút FDI vào Việt Nam hiện nay có 2 đặc điểm. Thứ nhất là các tập đoàn lớn của thế giới vào Việt Nam tương đối nhiều, điển hình như Samsung, Nokia, Intel... – những nhà sản xuất điện thoại smart phone hàng đầu thế giới. Thứ hai là gần đây, các trung tâm nghiên cứu công nghệ cũng được quan tâm, phát triển. Samsung thành lập trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội với 1.600 người và sắp tới đầu tư 300 triệu USD tại một địa điểm mới 300ha với 3.200 người. Đây là trung tâm lớn nhất, có tầm cỡ thế giới. Các trung tâm tương tự như vậy với quy mô nhỏ hơn 400 - 500 người cũng được một số tập đoàn FDI đầu tư.
Những đặc điểm này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao trình độ lao động chất xám của Việt Nam, có khả năng làm việc trong môi trường công nghiệp công nghệ cao. Đây là hai xu hướng đáng mừng, mang lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam, tạo ra sản lượng mặt hàng công nghiệp có giá trị lớn. Gần đây, một số tập đoàn lớn như Samsung, LG... phát triển 2 cơ sở sản xuất lớn tại TP.HCM (2 tỷ USD), Hải Phòng (3 tỷ USD cho 2 giai đoạn, trong đó đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2) sản xuất ti vi màn hình phẳng, điều hòa nhiệt độ, máy giặt... Cho nên, khả năng nước ta trở thành nơi sản xuất đồ dùng điện tử, đồ gia dụng... để xuất khẩu có thể được hiện thực hóa trong vài ba năm tới.
Thuận lợi là một chuyện, việc chúng ta có tận dụng được những thuận lợi này để thu hút FDI hay không và khả năng hấp thụ dòng vốn này của nền kinh tế là vấn đề đáng bàn.
Hiện nay, quốc gia đang có sự cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam về thu hút vốn FDI là Ấn Độ. Khi Trung Quốc giảm bớt sức “nóng” cạnh tranh, thì Ấn Độ nổi lên như một ngôi sao sáng. Khi Thủ tướng Narenda Modi lên nắm quyền, thì những môi trường cạnh tranh của Ấn Độ được cải thiện đáng kể. Năm nay, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt khoảng 7,5%, cao hơn nhiều so với Việt Nam. Sở dĩ Ấn Độ có sức hấp dẫn như vậy là vì quốc gia này áp dụng cơ chế 2 cấp ưu đãi, trung ương và tiểu bang. Ấn Độ có lợi thế về những ngành thâm dụng lao động vì mức lương nhân công tại Ấn Độ chỉ bằng ½ lương tại Việt Nam. Còn những ngành công nghệ cao, Ấn Độ có lợi thế nổi trội hơn hẳn, được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của khu vực châu Á.
Như vậy, rõ ràng là nếu chúng ta không lưu ý đến việc thay đổi về nhận thức, cách tiếp cận để thu hút FDI vào lĩnh vực này thì chúng ta không thể cạnh tranh được với Ấn Độ.
Vấn đề nữa là lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư như thế nào, đây là câu chuyện đại sự. Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong nhiều diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã khẳng định một lần nữa là Việt Nam không hoan nghênh nhà đầu tư chuyển giá, làm ô nhiễm môi trường. Chúng ta không thể chấp nhận những dự án thép, hóa dầu, xi măng... không thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu và tiêu hao nhiều năng lượng. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt hơn, nhất quyết không khuyến khích, thậm chí không cấp phép cho những dự án FDI như vậy vào Việt Nam. Hơn nữa, đây cũng là thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam khi chúng ta đã ký kết hiệp định về khí thải.
Đã đến lúc Việt Nam cần cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển trọng tâm sang nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh. Rõ ràng, chúng ta phải khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Nếu Lotte không phải là tòa nhà xanh, năng lượng phụ thuộc vào EVN cấp, thì đất nước chúng ta phải chịu trận, vì phải đầu tư nhiều để sản xuất năng lượng cho những tòa nhà như vậy...
Chính phủ cũng cần định hướng và chỉ đạo thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Riêng về thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Đà Lạt đã làm được điều đó, người Nhật Bản cũng đã vào Yên Bái... Hiện đang có trào lưu đầu tư vào nông nghiệp sạch sử dụng công nghệ cao của Israel, Nhật Bản, Đài Loan và chúng ta cũng đã có những người làm thực sự, không còn là lý thuyết nữa. Biến đổi khí hậu không chỉ là câu chuyện nông nghiệp, mà còn là câu chuyện cuộc sống của người dân. Nếu đưa công nghệ cao vào thì không chỉ giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế, mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Những mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, hay Đà Lạt cần phải được nhân rộng. Mô hình đã rất thành công, vậy tại sao chúng ta không áp dụng? Chính sách phải bắt đầu từ thực tiễn.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới?
Có 3 nhân tố mà khi nhìn nhận về triển vọng thu hút FDI thấy rất tươi sáng.
Nhân tố thứ nhất, nếu so với các nước trong khu vực, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay khá hơn nhiều. Ví dụ như trong ASEAN, có thể thấy Thái Lan trong năm vừa rồi thu hút vốn FDI giảm 90%. Indonesia mặc dù có tổng thống mới rất muốn thay đổi nhưng thu hút FDI cũng không chuyển dịch được nhiều lắm. Còn Philippines là trường hợp đặc biệt, do theo đuổi đường lối chính trị khác lạ của chính quyền tổng thống, khiến cho nhiều nhà đầu tư cũng không muốn lưu lại tại Philippines. Singapore đang trong tình trạng khá bão hòa trong thu hút vốn FDI đầu tư vào công nghiệp. Malaysia có tình hình chính trị không ổn định, nên năm vừa rồi cũng có chuyện. Vì vậy, trong ASEAN, Việt Nam rõ ràng có lợi thế hơn nhiều và đây không phải tự chúng ta đánh giá, mà thế giới đánh giá.
Còn trong khu vực châu Á, trước đây, Trung Quốc là đối thủ lớn mà chúng ta không bao giờ có thể cạnh tranh nổi. Nhưng trong 2 năm gần đây, các tập đoàn FDI đầu tư ở Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài, về nước hoặc sang các nước khác, trong đó Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Nhân tố thứ hai là nhân tố về ASEAN. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hơn 600 triệu dân, tổng GDP khoảng 500 tỷ USD và một thị trường chung rất lớn. Theo hiệp định đã được ký kết và có hiệu lực vào năm nay, khi đầu tư vào một nước là nhà đầu tư vào cả thị trường rộng lớn của ASEAN. Bên cạnh sự cạnh tranh với các nước ASEAN khác, nhưng đồng thời chúng ta cũng có không gian tốt hơn để thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.
Nhân tố thứ ba, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), các nền kinh tế Á - Âu, Nga - Belarus và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (nếu có)... sẽ có tác động rất lớn đến thu hút FDI vào nước ta.
Với 3 điều kiện thuận lợi đó, tôi tin rằng FDI vào Việt Nam trong 4 năm sắp tới chắc chắn sẽ khả quan.