Một màn hình TV lớn đang phát bản tin về cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell, tại sàn giao dịch chứng khoán NYSE ở New York ngày 28/7 - Ảnh: Reuters. |
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ thoát khỏi mức đáy của phiên và đóng cửa ở mức không có nhiều thay đổi so với phiên trước, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nói rằng nền kinh tế vẫn đang phục hồi đúng hướng và Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo hãng tin Reuters, sức ép giảm điểm trong phiên này một phần đến từ cổ phiếu “gã khổng lồ” công nghệ Apple. Cổ phiếu “táo khuyết” giảm 1,2% sau khi công ty dự báo tăng trưởng doanh thu chậm lại.
Trong cuộc họp báo sau khi Fed đưa ra tuyên bố chính sách, ông Powell nói rằng thị trường việc làm Mỹ “cần phục hồi thêm” trước khi đến lúc Fed rút lại các chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã thực thi từ mùa xuân năm 2020 để chống chọi với cú sốc kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra.
“Có vẻ như điều tích cực nhất đối với thị trường là Fed chưa tính đến chuyện tăng lãi suất”, Chủ tịch Alan Lancz của công ty tư vấn đầu tư Alan B. Lancz & Associates nhận định.
Trong tuyên bố kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 0-0,25% và duy trì chương trình chi 120 tỷ USD để mua tài sản mỗi tháng.
S&P 500 đã trong xu thế giảm từ đầu phiên giao dịch, nhưng sau tuyên bố của Fed, chỉ số nhanh chóng đảo chiều, thoát khỏi mức đáy của phiên.
Trước lần họp này của Fed, giới đầu tư ở Phố Wall lo lắng về việc một bên là lạm phát leo thang, một bên là số ca nhiễm mới Covid-19 tăng nhanh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chủ trương tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Tuyên bố của Fed tái khẳng định quan điểm cho rằng lạm phát cao lên chẳng qua là do “những yếu tố nhất thời”. Về số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại do biến chủng Delta, ông Powell cho rằng ít nhất ở thời điểm này, khả năng Delta đặt ra rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Mỹ là thấp.
Ông nói trong những làn sóng Covid trước đây “xu hướng ảnh hưởng đến kinh tế là không lớn… Lần này, không phải là vô căn cứ nếu tiếp tục kỳ vọng như vậy. Có vẻ như chúng ta đã học được cách để xử lý vấn đề” mà không gây ra nhiều gián đoạn kinh tế.
Trong số 3 chỉ số, Nasdaq mạnh nhất phiên này, nhờ cổ phiếu Google đạt mức cao nhất mọi thời đại sau khi công ty báo lợi nhuận quý 2 đạt lợi nhuận nhờ doanh thu quảng cáo tăng vọt. Cổ phiếu Google chốt phiên với mức tăng 3,2%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,36%, còn 34.930,93 điểm. S&P 500 giảm 0,02%, còn 4.400,64 điểm. Nasdaq tăng 0,7%, đạt 14.762,58 điểm.
“Fed đã có một cơ hội để phát tín hiệu rằng họ sẽ trở nên cứng rắn hơn, nhưng họ đã chọn không làm như vậy. Điều quan trọng nhất là Fed dễ đoán và họ vẫn sẽ tiếp tục dễ đoán”, nhà quản lý danh mục Ellen Hazen thuộc F.L. Putnam Investment Management nhận định.
Cổ phiếu Microsoft giảm 0,1% khi chốt phiên, cho dù tốc độ tăng trưởng mạnh của mảng điện toán đám mây giúp “đế chế” phần mềm vượt qua kỳ vọng của Phố Wall về doanh thu và lợi nhuận quý 2.
Toàn thị trường chứng khoán Mỹ có 9,86 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trong phiên này, ngang với mức bình quân mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Trên thị trường năng lượng, kỳ vọng nhu cầu tăng nhanh hơn nguồn cung đưa giá dầu đi lên.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,26 USD/thùng, tương đương tăng 0,35%, đạt 74,74 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 72,39 USD/thùng.
Năm nay, giá dầu đã tăng 45%, nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu và nỗ lực hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức liên minh OPEC+.