Bản tóm tắt cuộc họp được tổ chức trong ngày 30/10 và 1/11 cho thấy, các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vẫn lo ngại lạm phát có thể dai dẳng hoặc tăng cao hơn, đòi hỏi Fed cần hành động nhiều hơn nữa.
Các quan chức cho biết, chính sách tiền tệ sẽ cần phải duy trì ở mức "hạn chế" cho đến khi các dữ liệu thể hiện lạm phát đang trên đà quay trở lại mục tiêu 2% một cách thuyết phục.
Bên cạnh đó, theo biên bản cuộc họp, các thành viên FOMC tin rằng họ có thể "tiến hành cẩn thận" và đưa ra quyết định "dựa trên các thông tin tổng thể và tác động của chúng đối với triển vọng kinh tế cũng như sự cân bằng rủi ro".
Theo CNBC, biên bản cuộc họp chính sách tháng 11 được đưa ra trong bối cảnh Phố Wall đang có tâm lý áp đảo rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Giới đầu tư hiện kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ không còn tăng lãi suất nữa và dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ tháng 5/2024.
Fed "không tự tin" chính sách tiền tệ đã đủ thắt chặt để chống lại lạm phát
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy các thành viên FOMC thảo luận về thời điểm họ có thể bắt đầu hạ lãi suất. Điều này đã được phản ánh trong họp báo sau cuộc họp của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
"Thực tế là Ủy ban hiện không nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất", ông Powell cho biết.
Lãi suất quỹ chuẩn của Fed - vốn ấn định chi phí vay ngắn hạn - hiện ở mức 5,25% - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm.
Cũng theo biên bản, các quan chức dự báo, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2023 sẽ "chậm lại đáng kể" sau khi tăng 4,9% trong quý III/2023. Các thành viên FOMC cho biết, chính sách tiền tệ hiện tại "có tính hạn chế và đang gây áp lực giảm sút đối với hoạt động kinh tế cũng như lạm phát".
Một số nhà kinh tế cho rằng, việc đưa lạm phát xuống thấp hơn có thể sẽ gặp khó khăn, đặc biệt khi tiền lương của người lao động vẫn tăng mạnh và các thành phần quan trọng trong Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như chi phí thuê nhà hay chi phí chăm sóc sức khỏe vẫn tăng cao.