Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Getty/MarketWatch. |
Giới đầu tư gần như đã tin chắc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này. Vấn đề đặt ra là FED sẽ phát tín hiệu như thế nào về đường đi của lãi suất sau đó?
Theo trang MarketWatch, thị trường tài chính Mỹ đang kỳ vọng FED hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày 18/9, đưa lãi suất tham chiếu về khoảng 1,75-2%, từ khoảng 2-2,25% hiện nay.
Hôm thứ Sáu, dữ liệu trên sàn CME ở New York cho thấy các nhà giao dịch đặt cược khả năng 78,5% FED cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất trong lần họp này. Tỷ lệ đặt cược như vậy đã giảm xuống từ mức 90% cách đây một tuần, và là mức thấp nhất trong 1 tháng.
Cùng với đó, khả năng FED hạ lãi suất nửa điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này đã giảm về 0, từ mức 20% cách đây 1 tháng.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là giới giao dịch cho rằng Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan quyết định lãi suất trong FED - sẽ không hạ lãi suất trong cuộc họp. Tuy nhiên, sự giảm tỷ lệ đặt cược cho thấy thị trường đã có sự điều chỉnh kỳ vọng vào các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ.
Đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong tuần qua chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy sự lắng xuống trong nỗi sợ hãi trước đó của nhà đầu tư về nguy cơ sớm xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ và một đợt leo thang căng thẳng mới của thương chiến Mỹ-Trung. Trong tháng 8, nỗi sợ này đã đẩy giá những tài sản được cho là an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng tăng chóng mặt.
Hôm thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 11,2 điểm phàn trăm, đạt mức cao nhất 6 tuần 1,901%. Tính cả tuần trước, lợi suất trái phiếu này tăng 0,35 điểm phần trăm, phản ánh tuần bán tháo tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2013. Tương tự, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2009.
Cùng với đó, khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm tiếp tục nới rộng, đưa đường cong lợi suất trở lại trạng thái bình thường. Trước đó, đường cong lợi suất này bị đảo ngược do trái phiếu kỳ hạn ngắn mang lại lợi suất cao hơn trái phiếu kỳ hạn dài - một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ có thể sắp xảy đến.
Trao đổi với MarketWatch, ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư Bleakley Advisor Group, nói rằng diễn biến lợi suất và dữ liệu kinh tế gần đây sẽ hạn chế bớt kỳ vọng của thị trường vào việc FED hạ lãi suất. Ông Boockvar cũng tin rằng có một số giới hạn đối với những gì mà FED có thể làm.
"Với khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 11 năm, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể lại nói về ‘sự điều chỉnh giữa chu kỳ’ lãi suất. Thị trường có thể sẽ không vui vẻ gì với một tuyên bố như vậy", nhà đầu tư này nói.
Trong các cuộc họp trước, FED luôn nhấn mạnh lạm phát giữ dai dẳng ở mức thấp, dưới mục tiêu 2% mà FED đề ra, như một lý do để hạ lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát đã có những dấu hiệu tăng mạnh gần đây.
CPI lõi tháng 8 của Mỹ tăng 2,4%, đạt mức cao nhất 13 tháng. Lần gần đây nhất lạm phát lõi của Mỹ tăng cao hơn mức này xảy ra vào năm 2008.
Trái với những hạn chế mà FED đang phải đối mặt, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước tuyên bố sẽ làm "bất kỳ điều gì cần thiết" và "trong khoảng thời gian đủ dài" để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Không chỉ hạ lãi suất sâu hơn dưới ngưỡng âm và tái khởi động nới lỏng định lượng (AE), Chủ tịch sắp mãn nhiệm của ECB Mario Draghi còn kêu gọi các Chính phủ trong Eurozone triển khai các biện pháp kích cầu bằng tài khóa.
Chiến lược gia trưởng Dave Laferty của Natixis đồng tình với động thái của ECB. "Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà các ngân hàng trung ương không còn tin tưởng chắc chắn rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo còn hữu ích nữa. Thậm chí, chính sách như vậy còn có thể gây hại. Trong hai năm tới, vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng trung ương có thể được chuyển giao", ông Laferty nói với MarketWatch.
"Vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng trung ương đã đạt tới một đỉnh điểm về nới lỏng chính sách, như những gì thể hiện trong cuộc họp của ECB hôm thứ Năm. Các ngân hàng trung ương vẫn giữ chính sách nới lỏng, nhưng điều này chỉ có thể tạo bức nền cho cải cách cơ cấu và các biện pháp tài khóa", ông Laferty phát biểu.
Hiện tại, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã hồi phục lên gần mức cao kỷ lục mọi thời đại. Chỉ số Dow Jones hiện chỉ còn cách 0,5% so với mức kỷ lục thiết lập hôm 15/7, S&P 500 cách 1% so với kỷ lục thiết lập hôm 26/7. Nasdaq còn cách 1,8% so với mức đóng cửa cao nhất lịch sử thiết lập hôm 26/7.
Kết quả cuộc họp FED công bố vào ngày thứ Tư tuần này theo giờ Mỹ và cuộc họp báo sau đó của ông Powell có thể sẽ quyết định Phố Wall lập kỷ lục tiếp theo, hay bước vào một đợt sụt giảm mới như đã xảy ra trong quý 4 năm ngoái.