Fed tạm dừng tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 21/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% - mức cao nhất trong 22 năm, đồng thời báo hiệu sẽ có ít đợt cắt giảm hơn trong năm tới.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Động thái này đã được giới đầu tư dự báo trước đó, sau khi Fed phát đi tín hiệu trong những tuần gần đây rằng họ dự định chờ thêm dữ liệu để đánh giá những đợt tăng lãi suất trước đây đang ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Mỹ.

Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất 11 lần và giữ nguyên 2 lần - bao gồm cả lần tạm dừng trong tháng 9 này.

Theo CNN, ngày càng có nhiều quan chức Fed kỳ vọng lãi suất sẽ đạt mức 5,63 - 5,87% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc có thể có một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm. Các quan chức đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 cao hơn và dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.

Đáng chú ý, các quan chức dự kiến sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm 2024 so với ước tính trước đó, điều này khẳng định lo ngại của các nhà đầu tư rằng, lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

"Các dự báo mới cho thấy Fed có mức độ tin tưởng khá cao vào triển vọng "hạ cánh mềm" và do đó, sẽ có rất ít không gian để nới lỏng chính sách trong năm tới", Seema Shah, Chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management nhận định.

Trong tuyên bố sau cuộc họp ngày 21/9, Fed cho biết, "hoạt động kinh tế đang mở rộng với tốc độ vững chắc" so với "tốc độ vừa phải" được ghi nhận trong tuyên bố hồi tháng 7.

Tuyên bố cũng lưu ý rằng, tăng trưởng việc làm đã "chậm lại trong những tháng gần đây", so với mức tăng trưởng việc làm được mô tả là "mạnh mẽ" trong tuyên bố trước đó.

Các quan chức Fed một lần nữa nhấn mạnh "cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%". Các quan chức sẽ cân nhắc lại chính sách tiền tệ tại cuộc họp kéo dài hai ngày vào tháng tới.

Theo CNN, lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ hồi tháng 6/2022 và có thể giảm dần đến mục tiêu 2% của Fed mà không làm tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh - một kịch bản được gọi là "hạ cánh mềm". Hoặc, lạm phát cuối cùng có thể giảm xuống 2%, nhưng nền kinh tế lại rơi vào suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Một số quan chức Fed lạc quan rằng nền kinh tế có thể "hạ cánh mềm", nhưng ngân hàng trung ương này phải đối mặt với một số bất ổn và trở ngại kinh tế trong những tháng tới, bao gồm việc nối lại các khoản thanh toán khoản vay sinh viên vào tháng 10, chi phí năng lượng tăng cao gây áp lực tới lạm phát, sự mệt mỏi của người tiêu dùng do lạm phát cao và những tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế.

Trong họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, việc "hạ cánh mềm" có thể bị ảnh hưởng bởi "các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed".

Tin cùng chuyên mục