Financial Times: Thuế tối thiểu toàn cầu gặp khó trong việc thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thỏa thuận thuế toàn cầu mang tính bước ngoặt nhắm vào các công ty lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn trong việc thực thi do đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng từ chính trị ở Mỹ và một số quốc gia chủ chốt khác đang "chùn bước".
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Việc ban hành "trụ cột" đầu tiên của biện pháp cải cách thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, nhằm buộc các tập đoàn công nghệ lớn và các tập đoàn đa quốc gia phải trả nhiều thuế hơn tại nơi họ kinh doanh, đang bị đình trệ ở Mỹ với sự phản đối từ Đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, các nước đang phát triển đã cố gắng chuyển các cuộc đàm phán thuế quốc tế từ OECD sang Liên hợp quốc, nơi họ sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn, làm phức tạp thêm quá trình đàm phán về việc thi hành.

Theo Financial Times, những yếu tố trên, cùng với khó khăn trong việc hoàn thiện văn bản của thỏa thuận, đang cản trở nỗ lực đáp ứng thời hạn ký kết vào tháng 6/2024.

Năm 2021, hơn 135 nền kinh tế đã ký kết một thỏa thuận chính trị gồm hai trụ cột, đại diện cho cuộc cải cách thuế doanh nghiệp lớn nhất trong hơn một thế kỷ. Trụ cột thứ hai đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên toàn cầu và bắt đầu có hiệu lực trong năm nay. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của thỏa thuận đang gặp khó khăn.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ cải cách, các hiệp ước thuế quốc tế yêu cầu phải đạt được sự đồng thuận của 2/3 số ghế, tức 67 phiếu, tại Thượng viện Mỹ để phê chuẩn. Đảng Dân chủ của ông Biden, với 51 ghế và sự dẫn đầu "mong manh" trong Thượng viện, không đủ phiếu để vượt qua sự phản đối mạnh mẽ từ Đảng Cộng hòa đối lập.

Nếu không có sự phê chuẩn của Mỹ, cơ sở tối thiểu cần có để thỏa thuận có hiệu lực sẽ không được đáp ứng.

Trong khi đó, theo Financial Times, nếu cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa và là người phản đối mạnh mẽ thỏa thuận thuế toàn cầu - tái đắc cử, toàn bộ tiến trình của thỏa thuận có nguy cơ "đổ bể".

Các quan chức châu Âu đang cố gắng kêu gọi các bộ trưởng tài chính của G20 họp trong tuần này tại Brazil cam kết về mốc thời gian của thỏa thuận. Theo Financial Times, dự thảo tuyên bố chung của G20 kêu gọi "đạt được thỏa thuận kịp thời về công ước đa phương nhằm ký kết vào tháng 6/2024". Tuy nhiên, nội dung về "thực hiện nhanh chóng" theo yêu cầu của EU và Pháp lại không được đưa vào. Thông cáo chung đang được đàm phán và vẫn có thể thay đổi.

Trong khi đó, kể từ khi giành được vai trò lớn hơn cho Liên hợp quốc trong các vấn đề thuế toàn cầu do thất vọng với quy trình do OECD dẫn đầu, các nền kinh tế đang phát triển tỏ ra ít quan tâm hơn đến các cuộc đàm phán về trụ cột một.

Brazil, quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Liên hợp quốc thành lập công ước về hợp tác thuế quốc tế vào năm ngoái, hiện đang giữ chức Chủ tịch G20. Nước này đã mời Liên hợp quốc trình bày các bước tiếp theo trong chương trình nghị sự về thuế của mình tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính của G20 vào thứ Năm (29/2). OECD cũng đã được mời tới dự.

Các nhà phân tích đánh giá, giải pháp thay thế cho khung thuế toàn cầu có thể là sự chắp vá các loại thuế do các quốc gia đặt ra trên cơ sở riêng lẻ.

Trong năm 2021, một số nền kinh tế đã đồng ý tạm dừng đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương, những khoản thuế chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các công ty công nghệ lớn có trụ sở ở Mỹ, để tạo điều kiện cho một thỏa thuận đa phương. Nhưng loại thuế này có thể quay trở lại nếu thỏa thuận thuế đa phương không trở thành hiện thực.

"EU nên đưa ra một thời hạn cho Mỹ, chẳng hạn đến năm 2025, Mỹ phải phê chuẩn thỏa thuận. Nếu Mỹ không làm được điều đó, EU sẽ theo đuổi thuế dịch vụ kỹ thuật số", Paul Tang - thành viên nghị viện châu Âu đến từ Hà Lan, phụ trách các vấn đề thuế - cho biết.