Formosa Plastics Group bắt đầu quá trình đầu tư xây dựng khu phức hợp thứ tư tại Hoa Kỳ để tăng sản lượng etylen. (Nguồn: UDN.com) |
Theo Lin Keh-Yen, Phó Chủ tịch điều hành của Formosa Petrochemical Corp, công ty sản xuất hóa chất đến từ Đài Loan này đang chờ giấy phép của Mỹ để xây dựng các nhà máy tại quận St. James, một quận thuộc tiểu bang Louisiana.
Tập đoàn cũng có kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD để mở rộng dây chuyền sản xuất ở Texas, Chủ tịch Formosa Plastics Corp, Jason Lin cho biết thêm.
Theo Bloomberg nhận định, Formosa cũng đang chạy đua theo các công ty châu Á khác trong việc thúc đẩy đầu tư tại Hoa Kỳ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump cam kết tạo ra công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ có khả năng cung cấp một nguồn nguyên liệu thô thay thế rẻ hơn cho sản xuất hóa dầu, khiến cho những dự án tại Hoa Kỳ có tiềm năng mang lại lợi nhuận nhiều hơn trong bối cảnh giá dầu đang tăng, theo IHS Chemical Insight.
“Formosa đang muốn tìm kiếm một giấy phép đặc biệt để làm dự án này”, Tony Potter, Phó Chủ tịch công ty IHS tại Singapore nói và cho biết thêm rằng, giá nguyên liệu đầu vào ở Mỹ vẫn tương đối thấp nên các nhà cung cấp ở đây sẽ có thể cung cấp sản phẩm đầu ra cho Trung Quốc rẻ hơn các sản phẩm được làm tại chính Trung Quốc và các nước xung quanh như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hay Singapore.
Được biết, dự án của Formosa tại Louisiana mà tập đoàn Formosa Petrochemical và Formosa Chemicals & Fibre Corp sẽ đầu tư bao gồm một máy sản xuất Etan với công suất 1,2 triệu tấn/năm và một máy sản xuất Propylen có công suất 600.000 tấn mỗi năm trong giai đoạn một. Trong giai đoạn hai, Formosa sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất ethylene với công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Theo Bloomberg, Tập đoàn Formosa Plastics Group đã bắt đầu đầu tư tại Hoa Kỳ từ năm 1978 và sở hữu các nhà máy sản xuất polyester ở Nam Carolina và một nhà máy sản xuất glycol etylen ở Texas.
Ông Lin cũng cho biết, việc mở rộng chuỗi sản xuất ở Texas đã được tiến hành và ước tính hoàn thành vào năm 2018. “Vật liệu ở Mỹ rẻ hơn và xin giấy phép về môi trường ở Hoa Kỳ cũng dễ dàng hơn ở Đài Loan”, ông Lin nhận xét.